HTML/JavaScript



NgocDungLyhoa chân thành cảm ơn các bạn ghé thăm

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Hồi Ký Đời Học Trò Của Tôi - Chương 2



Chương 2 - MỘT MÌNH NƠI RỪNG BỒNG LAI
Tháng năm vào một đêm trời nóng, má tôi kê chõng tre ngoài sân cho mát. Hai má con vừa mới chợp mắt thì đã nghe tiếng đấm cửa thình thịch kèm sau tiếng đập cửa là tiêng quát tháo quen thuộc mà má con tôi đã nghe quen từ lâu cho nên không có gì hoảng sợ cho lắm:
- Con B. mô rồi, dậy mở cửa mau lên ?
Má tôi vừa lồm cồm ngồi dậy vừa trả lời:
- Dạ ! tui ra đây .


Rồi má nói nhỏ với tôi :
- Họ kêu đi trấn áp con nằm ngủ một mình, má về chừ.
Nói xong bà vội vàng đi mở cổng, tiếng quát tháo lại vang lên:
- Đi lẹ lên, ngoan cố, làm chi mà lâu rứa?
Rồi họ hậm hực dẫn má tôi đi đến nơi mà hằng đêm họ bắt địa chủ đến nơi đó để ép cung, nhận tội mà họ tự đặt ra, truy nã của cải vàng bạc, mâm thau nồi đồng cất dấu ở đâu, phân tán cho ai, hoặc ra lệnh nộp các loại thuế tô tức. Không hiểu sao lúc ấy tôi còn nhỏ mà không biết sợ là gì. Hình như tạo hóa đã sinh ra như vậy, trong hoàn cảnh gia đình có sự cố trái ngang cũng cần phú cho họ một bản lĩnh gan dạ, hoặc là cho họ có những đứa con hiếu thảo biết vâng lời cha mẹ, làm cho cha mẹ yên tâm, đầy đủ sức lực mà chịu đựng mọi nghiệt ngã của cuộc đời. Bây giờ tôi chỉ nhớ lúc đó tôi đang nằm mơ mơ màng màng nhìn trời nhìn sao, cố gắng trấn an tinh thần quên đi nỗi sợ hãi để lịm dần vào giấc ngủ. Bỗng tôi thấy trên bức vách nhà tôi một bóng người đang lom khom bò vào gác nhà. Tôi hơi sợ, người ớn lạnh da gà nổi khắp tay chân. Bóng đen khi vịn vào được lan can của gác liền nhẹ nhàng nhảy vào hiên gác rồi đi sâu vào nhà im lặng. Tôi nằm im theo dõi nhưng chẵng thấy tiếng động nào nữa như một bóng ma biến đi đâu mất. Vừa sợ vừa lo không tài nào nhắm mắt được. Nhưng rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết cho đến lúc má tôi về gọi dậy mà nói:
- Mai con có đi cho má được không?
Tôi hỏi :
- Đi mô má?
- Đi kêu chị Hanh con về. Hôm ni họ tra khảo dữ quá, họ nói mi cho con Hanh đi học để chuyền vàng bạc đi phải không? Gọi nó về. Mai con cố gắng đi cho má .
- Dạ ! 
- Mai có mụ Xàng đi Khương Hà má đã nhờ mụ dẫn con đi, chỉ đường cho con vào Bồng Lai. Lên đến đó mụ bày đường cho mà vào nhà ông Tích, con nói với chị má rủ về không học dệt nữa.
- Dạ
- Thôi ngủ đi con, mai mà đi cho sớm .
Tôi nhớ chuyện khi nãy tôi nói với má:
- Má nì, khi hồi con thấy có ai bò trên tường leo vô gác nhà mình đó. Con sợ quá má à.
Má tôi ôm con vào lòng nói nhỏ:
- Dân quân du kích đó con ạ, họ nằm theo dõi nhà mình có nói xấu chi cách mạng không, có chuyển đồ đoàn tài sản đi mô không, có ai lại quan hệ với mình không đó .Thôi con ngủ đi đừng nói nữa mà họ nghe thì khổ má con mình .
Má nằm xuống cạnh tôi vỗ về cho tôi ngủ nhưng tôi không thể nào ngủ được. Nằm suy nghĩ, thì ra bấy lâu nay họ cô lập, họ bao vây khống chế nhà mình ráo riết là vậy. vì thế ai ai cũng sợ, thấy mặt tránh đi ngay, cả mấy bà cô em ruột của ba tôi cũng vậy, gặp nhau lén lén lút lút nhìn trước ngó sau như sợ ai bắt được. Một lần tôi thấy má tôi thấy một viên đá ai bắn vào giữa sân. Má tôi chạy ra, vội vội vàng vàng, tay cầm một bó rau heo thật to đưa ra cho một người đứng ngoài cổng rồi mau chóng khép cửa đi vào. Tôi hỏi má tôi :
- Ai rứa má, má đưa bó rau cho ai đó .
Má tôi nói:
- O Tạo chớ ai. Má gửi O cất cho mấy thứ đồ .
Chỉ có lần ấy thôi, chứ sau này có ba tôi cô có lại ba tôi đuổi về không gửi gắm gì hết. Ba tôi sợ liên lụy làm khổ cô tôi vả lại đồ đoàn trong nhà họ theo dõi cả rồi, thiếu đi họ làm khổ mình chịu chi nổi . 
Gà vừa gáy lại má tôi đã gọi dậy rồi. Rửa mặt xong ăn qua loa bát cơm nguội thì bà Xàng cũng vừa đến. Tôi theo bà đi trong ánh sáng mập mờ. Đây là lần đầu tiên tôi đi với một người lạ mà tôi chưa hề quen biết. Hai bà cháu im lặng cặm cụi, đi nhanh như chạy trốn. Đến một làng quê thì trời vừa hửng sáng, hai bà cháu ngồi nghỉ cho lại sức. bà Xàng nói với tôi :
- Chừ thì mình đi từ từ nỏ sợ chi nữa. Con có khát nước thì lấy mà uống, nước mệ đựng trong chai để trong triêng đó. Uống nước nghỉ ngơi được một lát hai mệ cháu tiếp tục lên đường. Mệ gồng gánh đi trước tôi lẽo đẽo theo sau, bây giờ tôi đã cảm thấy mỏi chân đi không kịp nữa, thỉnh thoảng lại phải chạy cho kịp mệ.
Mặt trời đã đứng bóng, ánh nắng đã gay gắt, hơi gió nam đầu mùa nồng nồng khó chịu. Đến làng Cự Nẫm, hai mệ cháu dừng lại dưới bóng của bụi tre nghỉ chân. Bà lấy trong thúng ra một mủng cơm bới nói với tôi:
- Miềng đi được nửa đường rồi, ăn cơm nghỉ ngơi cho khỏe rồi miềng đi tiếp, ăn đi con.
Tôi cầm chai nước uống một hơi rồi mới cầm lát cơm mệ đưa cho, chấm mè ăn một cách ngon lành. Vừa ăn vừa đưa mắt quan sát xung quanh, cảnh vật nơi thôn dã lần đầu tiên trong đời đối với tôi quả thật xa lạ. Nó bao la rộng rãi pha lẫn sự hoang vu kỳ lạ. Cánh đồng lúa chín vàng nhưng không có lấy một bóng người. Vì đã quá trưa những nông phu đã về nhà nghỉ ngơi cả rồi. Trên đồng, nơi các thửa ruộng đã gặt trơ lại những gốc rạ. Mấy con bò im lặng gặm từng cọng rơm sót lại. Đâu đây trên những ngọn cây cao, đọt tre, tiếng con chim tu hú hót: Ò.ho.. Ò..ho..gọi bầy nghe mà não nề cô liêu chi lạ. Xa xa lại tiếng chim cu gáy như muốn đưa người ta vào giấc ngủ trưa sau một buổi làm việc vất vả .
Mắt tôi cũng muốn nhíp lại cố mở ra mà mở không được. Có lẽ do đi đường mệt lại cộng thêm nóng nực, cảnh sắc lạ lùng, buồn buồn tủi tủi. Tuổi nhỏ như tôi làm sao cưỡng lại cơn buồn ngủ lúc này. Bà Xàng thấy đã có vài ba người nông dân vác đòn xóc tay cầm liềm hái ra đồng, bà liền giục tôi:
- Dậy ! Dậy đi con, đi cho kịp kẻo tối.
Tôi giật mình ngồi dậy một cách mau lẹ, dụi mắt xong chạy vội theo bà. Đi độ vài tiếng đồng hồ bóng nắng đã xế dài, dọc đường nhà cửa thưa thớt, nằm rải rác trong các lùm cây, đa số là mít bưởi chanh cam. Kế đó là những vạt ngô, đậu đã thu hoạch để lại những cây ngô khô quéo nghiêng ngả trong nắng chiều. Đến một ngã ba nhỏ cạnh bờ sông nước xanh leo lẻo dừng lại bà Xàng nói với tôi, dặn dò kỹ lưỡng:
- Đến rồi, mệ dặn con nhớ cho kỹ. Nhà ông Tích ở trong đó, con đi thẳng con đường này mà vô mệ phải lên trên Củ Giang, con đi nhanh kẻo tối. Khi qua một con khe con phải đi một đoạn nữa, nhìn vào bên trái thấy ngôi nhà tranh nằm trong lùm cây là nhà ông Tích đó, còn các nhà khác nằm xa hơn không thấy mô mà sợ lạc. Nói xong bà quẩy gánh lên vai, còn tôi đi theo con đường bà chỉ. Đi được một hồi tôi hơi sờ sợ, vì càng đi con đường càng tối lại. Hồi nảy ngoài kia còn sáng sủa là thế mà bây giờ tối om chi lạ, hai bên đường cây cối um tùm phủ kín cả lối đi. Thỉnh thoảng có những tảng đá đen to nằm chắn hết lối đi trông hình thù kỳ quái. Ôi có bao giờ tôi đi một mình trong hoàn cảnh thế này đâu. Hai tay tôi nắm chặt, miệng hát la la cho quên đi sự cô đơn vắng vẻ. Trấn tĩnh tinh thần đi thêm một quãng nữa thì tụt xuống một vực sâu, lúc này cây cối quang hơn nên trời hơi sáng, dưới vực là một con suối rộng nhưng đã khô cạn phơi đầy cát và sỏi đá.
Tôi men theo lối mòn đi xuống lòng khe, lòng nao nao lo lắng không biết có tìm được nhà không . Tìm được thì không nói gì, tìm không được thì một mình ở giữa rừng à ? Biết hỏi ai bây giờ. Đứng giữa khe mà lòng vẩn vơ lo lắng. Thôi thì đằng nào cũng lỡ biết làm sao bây giờ. Nghĩ vậy tôi lấy hết can đảm bước nhanh lên vực khe. Bên này khe cũng chẳng khác gì bên kia khe, lại cây cối um tùm tối tăm, đường đi nhỏ hẹp. Những tảng đá to lút đầu nằm chình ình trước mặt như con trâu ma trong chuyện cổ tích. Một cảm giác ớn lạnh trào lên người khiến tôi như muốn đái ra quần. Tôi cố hát to lên bước nhanh qua những tảng đá. Cứ như thế tôi đi và cũng ra được khu rừng, trời vẫn còn sáng trong ánh nắng chiều hôm. Nhớ lời bà Xàng dặn tôi đi chậm lại và quan sát tìm nhà. Chẳng mấy chốc tôi thấy ngôi nhà lấp ló trong muôn vàn cành cây che khuất. Cũng may trời còn sáng chút ít để mà nhìn thấy nhà nếu không chẳng biết đâu mà dò.Tôi định đi vào thì hai ba con chó chạy ùa ra sủa ầm ĩ. Chúng bao vây lấy tôi, con trước mặt con sau lưng nhăn răng gầm gừ. Sợ quá tôi đứng như trời trồng thủ thế chống đỡ. May thay một người đàn ông cao to da ngăm ngăm đen vừa nói : Tô, Tô ! vừa đi ra. Lúc đó mấy con chó không sủa nữa nhưng vẫn gầm gừ ăng ẳng. Tôi mừng quá đợi ông chủ nhà đến gần tôi mới hỏi : 
- Dạ thưa ông cho cháu hỏi đây có phải nhà bác Tích không ạ .
Ông già nhìn tôi một hồi rồi trả lời :
- Phải, cháu là ai có phải ở dưới Lý Hòa lên không?
- Dạ , cháu là em chị Hanh .
- Ôi Hanh ơi ! em mi lên đây này vào nhà đi con .
Ông dắt tôi vào nhà cũng vừa lúc chị tôi chạy ra. Thấy tôi chị chạy lại ôm chầm lấy tôi vào lòng. Lúc đó không hiểu sao hai hàng nước mắt tôi tự dưng dầm dề. Chị tôi nói trong tiếng khóc:
- Răng em biết mà vô đến đây, ai dẫn em đi, họ mô rồi?
Chị hỏi một thôi một hồi tôi không trả lời kịp, tôi chùi nước mắt trả lời chị :
- Má nhờ mệ Xàng đưa em đi, mệ chỉ đường cho em vào mệ đi lên Cù Giang rồi .
- Em đi vô một mình mà không sợ à?
Ông Tích bảo : 
- Thôi đi vào nhà đã, nói chuyện sau .
Đêm đó, sau khi ăn cơm tối xong hai chị em dắt nhau ra một gốc cây sau nhà nói chuyện. Tôi kể lại mọi sự việc ở nhà cho chị nghe. Chị tôi nói :
- Chị biết thế nào họ cũng kêu chị về. Chị thương ba má lắm, chị có muốn đi học đâu. Ở đây thì yên tâm thật, bác Tích thương chị lắm. Thôi được mai chị nói với bác một vài lời cho có đầu có đuôi rồi chị em mình cùng về. May mà em vô sớm đó chứ tối thì em làm sao tìm được nhà, lạc trong rừng thì nguy. Ở đây thỉnh thoảng có cọp về đó .
Nghe chị nói thế mà tôi rùng cả mình, nghĩ lại mà hết hồn. Hai chị em nói chuyện đã khuya mà chưa hết. Sương rừng đã xuống đậm, hơi lạnh đã thấm qua mảnh áo. Định đứng dậy đi vào ngủ bỗng nghe tiếng chó sủa ran cả núi rừng. Sau đó là một loạt cốc mõ vang lên xen lẫn tiếng người hô huầy đô, huầy đô, chị tôi vội vàng kéo tay tôi giục đi vào rồi nói:
- Cọp về đó, vô nhà mau đi em. Họ đánh chiêng gõ mõ để cọp sợ bỏ đi, nếu không nó bắt heo, trâu bò . mấy bữa nay hôm nào cũng có. 
Chao ôi may mà tôi tìm ra nhà chứ không đêm nay lạc rừng không bị cọp bắt thì cũng chết khiếp vì sợ. Đêm đó tôi ngủ say vì cả ngày đi mệt, sáng ra chị nói với tôi :
- Khi đêm chị đã nói chuyện với bác Tích rồi, nhưng mà bác có nói về thì về nhưng ngày mai nhà bác có việc ở lại giúp bác cái đã. Tôi hỏi chị :
- Việc chi rứa chị .
- Việc đám cưới của anh Bình em trai của bác. Thôi đằng nào cũng về, mình mang ơn họ nhiều lắm, chậm lại một bữa chẳng có chi.
Sau đêm đám cưới sáng mai hai chị em dậy sớm chào cả nhà rồi lên đường về quê. Vẫn con đường cũ có chị cùng đi cho nên tôi vững dạ chứ không như bữa trước. Về Cự Nẫm đến một nương ngô chị tôi nói:
- Em vào đó ngồi chờ chị, chị vào nhà ông Soa lấy áo quần cái đã. Lúc chị học ở Cự Nẫm chị ở nhà ông này .
Tôi ngồi được một hồi thì thấy chị tôi ra không thấy áo quần đâu cả. Tôi hỏi :
- Sao chị không lấy được à ? 
- Ông ấy nói ra đi, ông ấy đưa ra cho .
Một hồi lâu thấy một người đi ra vất vào vạt ngô một gói nhỏ, chị tôi chạy lại nói :
- Đi, đi em, áo quần chị đây rồi .
Từ đó hai chị em tôi không đi trên con đường cái nữa nhất là khi thấy có người đi ngược chiều vì sợ gặp người quen. Những lúc đó, lần xuống mé ruộng mà đi hoặc là tảng lờ giả vờ đi đái. Nhất là từ làng Hỷ Duyệt cho về đến Lý Hòa lòng nơm nớp lo sợ. Cũng vì lội tắt đường, băng qua bờ mương, bụi rậm mà hai chị em ống quần bám đầy hoa cỏ may, đâm vào da thịt ống chân khó chịu vô cùng. Dần dà rồi cũng về đến làng. Khi sắp qua chợ chị tôi kéo thấp nón xuống cúi mặt rảo bước đi thật nhanh. Còn tôi đi chậm lại cách chị năm sáu chục mét nhờ vậy mà cuộc hồi quê không có ai hỏi han hay nghi vấn .
Ôi ! Mộng ước của một thiếu nữ quá ư đơn giản, kiếm một ít kiến thức văn hóa để xử thế với đời cho tròn căn cơ của một người phụ nữ, muốn làm một cô Tấm dịu hiền trong khung cửi để tương lai có một nghề nghiệp mà lấy chồng nuôi con góp phần xây dựng quê hương đất nước.Thế mà cũng không thực hiện được, phải chui lủi, dấu mình như con ốc, rong ruổi trên con đường về cố hương bản xứ.
4-2-2012

Hình ảnh






1 nhận xét:

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Hình ảnh : Copy link hình và dán trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ
LƯU Ý :Định dạng đuôi ảnh hỗ trợ ['JPG','GIF','PNG','BMP']