HTML/JavaScript



NgocDungLyhoa chân thành cảm ơn các bạn ghé thăm

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

HỒI KÝ ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI - P3

                       

  





3 - NHỮNG ĐIỀU TRẮC  ẨN

Ý nghĩ và cảm nhận được vị cay đắng xót xa thất vọng của cuộc đời.Tôi theo bà nội (kế mẫu của ba ) mang gạo vào cho ba tôi. Chả là hơn nửa tháng nay ba tôi được đội giảm tô cho đi học tập cải tạo ở Vĩnh Tuy Quán Hàu . Sự kiện này không biết vui hay buồn , dữ hay lành đây? Căn cứ vào tình hình thực tế thì không có gì để ngại và lo lắng ,vì đợt đấu tố địa chủ xong rồi, tội nhẹ mới cho đi học tập để cải tạo chứ tội nặng thì họ đã đưa ra đấu tố kết án,chính phủ cũng đã nói rõ chính sách khoan hồng đối với ai biết tội, thành khẩn ăn năn hối cải , cho nên nghe nói mang gạo vào cho ba, tôi mừng lắm vì tôi nhớ ba lắm rồi .Má và chị tôi xoay sở tiền bac để mua gạo cho hai bà cháu mang vô. Bà mang tay nải gạo đi trước tôi lẽo đẽo theo sau. Vào đến Đồng Hới thì đã một giờ chiều, lên đến Vĩnh Tuy phải gần mười cây số chứ đâu có ít.
Đồng Hới đối với tôi không có gì lạ cả , bởi vì tôi biết Đồng Hới cách đây bốn năm nhân một lần hai chị em tôi được ba má cho đi theo tiễn chân anh Cư chuyển gia đình vào Huế sinh sống.
 Cho nên không khí sầm uất náo nhiệt , áo quần bảnh bao sặc sỡ, xe cộ đi lại (đa số là xe đạp) nhộn nhịp, tiếng guốc lẹp kẹp gõ trên hè phố, tiếng rao cà rem cây hay tiếng xăm cốc cốc của mấy ông ba Tàu bán hủ tiếu dọc vỉa hè không làm tôi ngỡ ngàng lạ lẫm. Hai chân mõi nhừ,chỉ muồn ngồi cho lại sức tôi nói với bà nội:
- Mình tìm nhà eng Lý nghỉ chân đi mệ, hỏi đường lên
 Vĩnh Tuy luôn thể , cháu mỏi chân quá rồi .
Bà nội tôi đồng ý. Hai bà cháu vừa đi vừa tìm số nhà . Đi chừng độ mười lăm phút tôi phát hiện ra tiệm vàng ông thợ Nai, một cửa hiệu nằm ngay bên con hẻm đi vào nhà anh Lý. Hồi đó tuy nhỏ nhưng không biêt vì sao tôi nhớ dai như vậy. Ngay từ đầu ngõ hẻm là nơi chị Lý ngồi bán nước, còn anh Lý suốt ngày đi lơ xe cho ông Dương, người bà con với chị Liễu vợ anh Cư.
Từ bên ni phố nhìn qua bên kia nơi con hẻm đã thấy chị Lý ngồi bán nước, hai bà cháu dắt nhau qua đường đến ngay trước mặt chị. Sau vài lời chào hỏi, chị Lý trả lời cộc lốc chiếu lệ không vồn vã như trước đây, tôi cảm thấy buồn và cô đơn nơi phố thị.
Trời ơi ! Mới có hơn một năm thôi mà sao lòng người thay đổi quá chừng.Hồi xưa,do cô dượng Tạo tôi không có con , sau chuyến đi ghe vào Quảng Ngãi  dượng tôi đã mang anh từ trong số làm thuê bốc vác , mồ côi cha mẹ về cưu mang nuôi nấng tạo việc làm ăn sinh sống , hỏi vợ thành lập gia đình . Không những cô dượng tôi mà cả ông nội tôi, ba má tôi cũng góp tay chungsức giúp đỡ anh . Có coi anh như con, mới để anh mang dòng họ Lê của dượng, muốn anh sau này quên đi nỗi thất lạc là người xa lạ nên đặt cho anh tên Lý  trong cụm từ tên làng Lý Hòa cũng nhằm để anh chan hòa với bà con xóm mạc.
Chính nghề lơ xe là do ba tôi sắp xếp, nể chỗ thân tình quan hệ thông gia nên ông Dương đã nhận lời chứ không lúc đó Đồng Hới thiếu gì người xin việc.Tình sâu nghĩa nặng là thế mà anh chị đã bị cuốn vào vòng trắc ẩn , sợ liên quan liên hệ để quên đi hàm ân của người đã cưu mang giúp đỡ mình. Người ở xa như vậy huống chi người ở gần, người mang nặng ân tình sâu sắc nhường ấy trách chi người không quan hệ mật thiết.
Không thể hiểu nổi sự tráo trở bất công đến nhường ấy, cuộc đời sao có kẻ bạc bẽo quá chừng. Nghỉ ngơi chừng mươi phút một anh xích lô trườn xe tới hỏi :
- Ai đi xích lô không ? Tôi nhìn bà nội hỏi:                        
- Có đi không mệ!
Thương cháu mỏi chân chứ đi thì tiền hơi thiếu, bà hỏi ông lái xích lô:
- Đi Quán Hàu mấy tiền ?
-  Anh xích lô nhìn hai bà cháu tôi hỏi :
- Đi hai người à , năm đồng đi không ?
- Ba đồng mệ già con nít mà.
- Ngập ngừng một lát anh ta vừa quay xe vừa nói :
- Ờ thì đi ,lên xe  !
Chào lại chị Lý một câu cho phải phép hai bà cháu lên đường. Xe bon bon chạy, nhà cửa phố xá cửa hàng cửa hiệu lùi lại đằng sau ,chẳng mấy chốc xe ra khỏi thị xã .Gần đến Quán Hàu mới thấy lại khung cảnh một miền quê mang màu sắc đang thời kỳ giảm tô cải cách ruộng đất .Hai bên đường những chiếc nống mang đầy khẩu hiệu được dựng thẳng tắp viết bằng vôi trắng xóa: Đả đảo địa chủ cường hào gian ác ,Có khổ nói khổ nông dân vùng lên .
Ở nhà tôi cũng đã có đọc những câu khẩu hiệu như thế được viết trước cổng nhà địa chủ, nhà tôi hoặc dọc đường thôn lối xóm . Trong những câu chuyện kể tội ác của địa chủ như cuốn “Con quỷ Văn La ” địa chủ ở Quảng Ninh hoặc “Miệng nam mô bụng một  bồ dao găm” địa chủ Lý Hòa . Không biết sự thực thế nào, chứ qua mấy cuốn sách đó chuyện kể ly kỳ dễ sợ quá trời  .
Đến Quán Hàu bà cháu tôi lại cặm cụi cuốc bộ lên Vĩnh Tuy. Mới vào làng đi qua cổng chào đã thấy người mang súng đứng gác . Bà cháu vẫn im lặng đi qua , trong lòng cảm thấy lo sợ ,một phản xạ đã thành quen thuộc mấy lâu nay khi đi đâu gặp người lạ , nhất là trong tư thế tác phong du kích dân quân. Hình như phát hiện có dấu hiệu khả nghi không phải là người vùng này nên người gác gọi giật lại:
- Ê! Bà kia đứng lại đi đâu?
Tôi run rẩy như đang phải rét , khép nép sau lưng bà tôi .Quay lại bà tôi thưa:
- Dạ , dạ mệ cháu ở Lý Hòa đi.. đi mang gạo vô cho .
- Cho ai ?
- Dạ cho con tôi đang học tập ở đây ạ, Anh dân quân hiểu lý do liền đến bên nắn nắn tay nải gạo rồi nói :
- Đi đi ,vào trong trụ sở của xã hỏi người ta chỉ cho mà nộp .
- Dạ . nói xong hai bà cháu lại lúi cúi đi không dám quay lại .
Đi được một đoạn nữa tôi thấy cách đường chừng độ năm chục bước có một dãy nhà lá thật to như kho hợp tác xã người ngồi rất đông , đa số là người có tuổi đang chăm chú im lặng nghe một người giảng thuyết gì đó. Đoán không khéo nơi đây là chỗ cải tạo địa chủ nên hai bà cháu cố đi chậm lại liếc mắt xem vào .Thấy bà cháu đi qua nhiều người ngoái cổ nhìn ra tôi đoán thầm trong  bụng : “Chắc đây là lớp học tập cải tạo rồi ,vì ngoài hiên hai đầu hồi có người mang súng ngồi gác, không biết ba có trong ấy không, có nhìn thấy mình và mệ  không ” . Nghĩ vậy nhưng làm sao mà vào đấy sợ lắm. Đang loay hoay chưa biêt làm thế nào thì thấy một người vác súng chạy ra , tôi lại run muốn vãi nước đái cả quần . Người đó chạy lại quát :
- Đi mô mà đứng ở đây ?
- Như cách đây mấy phút bà nội tôi trả lời , người đó lại nói:
- Đi lại một đoạn nữa đến nơi cây xoan kia kìa , trụ sở nơi nhận gạo của địa chủ cải tạo đó . Đây là chỗ chúng nó đang học tập không vào được đâu.
Nghe câu nói đó tự dưng nước mắt tôi chảy trào ra, cơ hội hai cha con gặp nhau thế là hết  Chỉ còn cách quay mặt vào may ra ba tôi nhìn thấy được tôi chứ biết làm sao bây giờ .Không gặp nhau tận mặt thì cũng nhìn qua dáng hình cũng được. Ôi trong gang tấc mà xa nhau vời vợi biết làm sao bây giờ .Đến gốc cây xoan bà cháu tôi rón rén đi vào, lại một người nữa bước ra hỏi nhưng không mang súng. Người ấy nhìn kỹ hình như thấy tay nải gạo liền hỏi ngay :
- Bà nạp gạo cho ai , chồng hay là con?
- Dạ tui  nạp cho con ạ !    
- Thế thì mang vào trong kia cân gạo lấy biên lai .
Sau khi cân gạo xong ,  cán bộ ngồi vào ghế lấy giấy bút ra vừa hỏi vừa ghi ghi chép chép , không ngẩng mặt lên hỏi :
- Con bà tên gì?
- Dạ dạ Hồ Ngọc Ng.. o..ãn .
- Quê quán?
- Dạ dạ thôn Lý Hòa , xã Hải Trạch , Bố Trạch .
Anh ta hý hoáy một hồi lâu mới xong tờ biên nhận đưa cho bà tôi rồi nói như đuổi:
- Xong rồi hai bà cháu về đi .
- Tôi nghĩ chắc ở đây không cho gặp người nhà cho nên chẳng chần chừ gì nữa bà cháu tôi vội vàng đi ra . Khi đi qua nơi cải huấn hai bà cháu  đi chậm lại bụng thầm cầu trời khẩn phật làm sao cho tôi đươc thấy mặt ba dù trong chốc lát hay thoáng qua cũng được. Ước mong thì cứ ước mong, đi qua thì cứ dán mắt nhìn vào nhưng nào đâu có thấy . Ngược ánh nắng chiều chói chang lóa cả mắt chỉ thấy đươc ngôi nhà chứ người không thấy rõ . Thế là không  nhìn được mặt ba gầy ốm ra sao ? có hốc  hác già lắm hay không?Tất cả hy vọng tan thành mây khói, lấy gì để về kể cho má và chị nghe đây . Lại lầm lũi bước đi vội vã , nhờ nắng chiều đã giảm , hơi nóng không còn gay gắt như buổi trưa nên tốc độ đi có vẻ nhanh hơn . Ra đến Lộc Đại thì trời  tối mịt , vào quán xin ngủ nhờ ngày mai đi tiếp . Ăn cơm bới xong tôi tìm chỗ ngủ . Bà chủ quán mang cho tôi một tấm ván , một đầu kê trên mép cửa sổ một đầu kê lên chiếc ghế đẩu nhỏ , thành thử đầu quá cao , đấu quá thấp nằm e ngủ quên tuột mất . Còn mệ nằm trên chiếc ghế dài ta thường gọi là băng mà các quán hàng thường đặt cho khách ngồi nghỉ uống nước hoặc ăn quà. Một ngày đi ròng rã nên tôi và bà nội đặt mình xuống là ngủ ngay . Đến nửa đêm gió nồm thổi mạnh, cơn lạnh làm tôi giật mình tỉnh dậy, co quắp tay chân lại nhưng vẫn lạnh không tài nào ngủ được. Hình ảnh ba tôi cứ hiển hiện trước mặt tôi. Tôi cứ miên man với bao câu hỏi : “ Khi chiều ba có thấy con không ba , ba có nhớ con không ? Khi nào ba về ? Không biết mười ngày nữa hết gạo, đợt sau mình mang vào có gặp được ba không?”. Cứ thế bao câu hỏi chờn vờn trong đầu tôi không thể nào chợp mắt được một tý nào . Nghe tiếng gà gáy trong thôn rộn rã, bà nội thức dậy gọi tôi:
- Dũng ơi ! Dậy đi cháu về sớm cho mát , ngày ni chắc nắng to đó .
Do không ngủ nên nghe tiếng gọi tôi “dạ ” và ngồi dậy ngay. Thu dọn chỗ nằm xong, bà nội sau mấy lời cảm ơn chủ quán, hai bà cháu lại tiếp tục lên đường về làng. Về nơi miền quê mà hiện nay hằng ngày không khí vẫn nặng nề u uất, căng thẳng nội tâm con người. Giống như  ngày đi hôm nay bao nhiêu điều xẩy ra, gặp phải, chứng kiến làm cho ta phải đau lòng suy nghĩ.
 9-2-2012 


5 nhận xét:

  1. Đoạn này không có chữ..do khi copy về chú không xóa mặc định nên không đọc được ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao cháu ko bôi đen mà đọc .Cảm ơn cháu nhiều

      Xóa
  2. Đã xong đấu tố cuối cùng
    Được đi cải tạo mà mừng ..thật đau
    Bước chân già trẻ trước sau
    Thăm nuôi đến tận Quán Hàu xót xa
    Nửa đường nghĩ gặp người nhà
    Vợ anh Tên Lý quay ra lạnh lùng
    Đời đâu dồn kẻ đường cùng
    Chắc lòng người cũng đứt từng khúc đau
    Ba đồng... thương cháu đi lâu
    Chắc bà cũng xót xa đau đớn nhiều
    Dọc đường mong gặp bao nhiêu
    Đến nơi mới gặm nhấm nhiều nhiêu khê
    Bước chân thất thểu ra về
    Lòng còn ở lại bộn bề nhớ cha
    Đêm không ngủ..bóng cha nhòa
    Canh năm gà gáy hai bà cháu đi
    Lần này không gặp ước gì
    Lần mang gạo tới lại hy vọng đầy...
    Một thời đau đớn ai hay
    Giờ ngồi viết lại chắc đầy lệ rơi
    Mang danh Địa Chủ một thời
    Ác ôn chưa thấy...thấy đời lênh đênh
    Còn bao nhiêu nữa thác ghềnh
    Cháu còn đọc tiếp ..


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một con ngựa đau cả tầu bỏ cỏ
      Nỗi u hoài lan tỏa bao người
      Xót thương bao cảnh lụy rơi
      Ruột mềm máu chảy lấy ai tỏ bày
      Những cứ tưởng người thân giúp đỡ
      Nào ngờ đâu họ cứ quay ngơ
      Dù mình cứu họ bơ vơ
      Xem như con cái trong nhà
      Mà nay không dám tảng lơ không nhìn .......
      Cảm ơn cháu đã chuyển thành thơ
      Hồi ức càng rõ i tờ trắng đen

      Xóa
  3. Vĩnh tuy Quán Hàu trong nỗi nhớ
    Lúc vừa xong đấu tố giải đi
    Ba được cải tạo bởi vì
    Thành phần tội nhẹ … không thì nặng hơn

    Từ đấy thấm nỗi buồn đau khổ
    Khi ở nhà phải cố chắt chiu
    Để khi nghe họ đến kêu
    Là lo có gạo mang theo nộp liền

    Trong một bận kêu tên như thế
    Con theo bà nội để nhìn ba
    Đường đi thăm ấy rất xa
    Hai bà cháu tính ghé qua họ hàng

    Anh tên Lý cha nâng đỡ đó
    Hai bà cháu mong chỗ nghỉ chân
    Đến nơi mệt gấp nhiều lần
    Vợ anh ấy đã nhạt dần tình thâm

    Hai bà cháu thêm lần buồn tủi
    Đường Quán hàu -Đồng Hới còn xa
    Thuê xe thương cháu là Bà
    Ba đồng bạc ấy là xa xỉ nhiều

    Tới nơi nộp gạo chiều vừa xế
    Con bước đi như kẻ không hồn
    Khi nghe họ quát hỏi dồn
    Quãng đường cuốc bộ vài lần hỏi han

    Rồi cũng tới ủy ban hợp tác
    Nơi ba đang “học tập” đây rồi
    Con cầu khấn tận trên trời
    Mong cho con thấy dáng người của ba

    Hai bà cháu nghĩ là đi chậm
    Ngang qua nơi họ cấm được nhìn
    Nên lòng cứ nghĩ đinh ninh
    Từ trong sâu thẳm ba nhìn thấy con

    Nộp được gạo héo hon hụt hẫng
    Bởi biết chắc rằng chẳng gặp ba
    Hai bà cháu quay trở ra
    Dáng chiều đổ xuống nhạt nhòa ước mơ

    Đến Lộc Đại trời giờ đã tối
    Hai bà cháu khăn gói ngủ nhờ
    Ăn cơm nắm dỡ còn lo
    Khi về lấy chuyện gì mà kể đây

    Bà mệt nằm ngế may ngủ được
    Ván tôi nằm dốc ngược ra sau
    Nửa đêm gió lạnh thốc vào
    Tôi nằm thao thức biết sao bây giờ

    Khi đi nghĩ người ta cho gặp
    Bây giờ về ăm ắp nỗi buồn
    Hỏi đâu cho rõ ngọn nguồn
    Vì đâu chịu cảnh nằm đường nhớ cha

    Trời hừng sáng thì bà gọi dậy
    Trở về khi gà gáy cất lên
    Bao năm tôi vẫn chưa quên
    Lần đi nộp gạo mong nhìn thấy cha







    Trả lờiXóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Hình ảnh : Copy link hình và dán trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ
LƯU Ý :Định dạng đuôi ảnh hỗ trợ ['JPG','GIF','PNG','BMP']