HTML/JavaScript



NgocDungLyhoa chân thành cảm ơn các bạn ghé thăm

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

HÔIÌ KÝ ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI - P10

-  XÓM QUÁN                        

 Đó là một doi đất đầu bìa làng , tiếp nối khu Nghĩa Chỉ kéo dài ra gần tận bờ sông , nên ba phía tiếp giáp là nước , ao hồ, lạch hói mọc um tùm năn lác .Được đặt tên Xóm Quán , không phải vì ở đây có chợ, mà theo các vị lão thành thì xưa kia đây là chổ dân ngụ cư, sống nghề xe kéo. Có lẽ vì sống tạm bợ hay vì quá nghèo nên nhà cữa lụp xụp như quán hoặc cũng không phải cư dân Lý Hòa nên có tên riêng là Xóm Quán, không đặt tên như các xóm theo vị trí : xóm Trong ,xóm Trên ,xóm Giữa ,xóm Ngoài của Lý Hòa. Đến hòa bình xóm Quán mới sát nhập với xóm Trong.

Trên doi đất đó khi má con chúng tôi đến ở, chỉ có bốn nhà cách xa nhau bởi một ngôi mộ đất sỏi biên hòa to tướng khoảng bốn , năm chục mét vuông của quan thượng thư bộ lại Nguyễn Duy Tich nằm ngay chính giữa  .Cộng thêm những đám ngô, vạt khoai, rau màu, vườn tược của các gia đình ở đó đã  cách ngăn mỗi nhà một vương quốc riêng biệt của mình . Thành thử rất kín đáo , yên tỉnh , không va chạm hay soi mói lẫn nhau. Ngoài thu nhập nhờ trồng trọt vặt vẵnh hoa màu ,quả ổi ,buồng chuối .Ban đêm họ đi cắm nò thả mợng kiếm con cá con tôm hoặc tháng bảy tháng tám , khi gió đông , gió ngoài xuất hiện họ ra biển lặn ruốc về phơi khô , làm mắm ăn dần hoặc bán kiếm tiền đong gạo.   
Trong điều kiện ăn ở như vậy chúng tôi buồn lắm ,vì mẹ quá con côi, cảnh nhà sa sút ,đất ở chỉ khoảng năm sáu chục mét vuông ,vừa đủ cho một túp nhà cột tre kèo nứa phên liếp sơ sài của một cố nông chuyến giao và một mảnh sân nhỏ bằng ba chiếc chiếu ,không đất tăng gia , không quen nò mợng , phụ nữ con nít làm gì để sống .Hoàn cảnh “xuất gia” của chúng tôi như chiếc lá bị gió cuốn bay đi ,như con sâu gắp bỏ ngoài đường thì còn gì để nói , còn gì để hỏi . Thôi thì trời sinh trâu trời sinh cỏ, mò cua bắt ốc , đi củi , đốt than xưa nay người ta vẫn sống đấy thôi .Tự an ủi mình biết làm sao bây giờ ? Có một điều cảm thấy yên tâm nhất là cuộc sống dù cực khổ thiếu thốn trăm bề nhưng yên ổn hơn trước đây đang còn bị đấu tố .Còn hơn các gia đình địa chủ khác ở trong làng tuy được ở trong gian lều hoặc gian bếp của mình đó nhưng phải tiếp cận hàng ngày , bị theo dõi , hoặc phải nghe những câu nói: mi tao , mày tớ, con nọ , thằng kia , thân phận chẵng khác gì những kẻ tôi đòi khinh miệt .
Mấy ngày đầu lạ lẩm quá chừng .Chỗ ngủ là mấy tấm ván kê trên mấy bó củi ,quay đi trở lại chòng chành như thuyền đi trên sóng , tiếng củi cót két do sức nặng đè lên khi thay đổi tư thế nằm ngồi, cọ sát gây âm thanh loạt xoạt như mèo đang cào cấu lên tấm liếp. Ngoài sân, đom đóm bay loạn xạ ,lập lòe ánh sáng xanh lè như ma trơi trong nghĩa địa .Tiếng côn trùng nỉ non rên rỉ trong nạp cây lá mui, lá ngấy,bên kia ngôi mộ Quan thượng nghe mà buồn buồn khiếp sợ. Ba mẹ con tổ chức lễ vấn khăn cho ba mới được ít hôm thì sáng hôm sau đội cho dân quân ra gọi má tôi vào đi chôn mệ Hoang. (bác kế mẫu của ba tôi). Đi về, má tôi kể lại với dáng vẻ mệt nhọc, bơ phờ tội nghiệp:
- Mụ chết khi đêm vì đói . Đi không nổi mà xách nước.
Tội nghiệp, một thân một mình .Chỉ có địa chủ khiêng hòm đi chôn .Người mô người nấy đói khát gầy dom,lại già cả không khiêng nổi hòm vô trong lòi .Dân quân nạt nộ ông nội bay,Dượng Tạo, ông Đòi , ông thợ Thí quá tội .Má nghe nói ngày qua , ngoài xóm thầy giáo Bổng cũng chết vị đói nữa rồi  .Mới có năm ngày mà hai người chết bắn, hai người chết đói , một người tự tử. Má đang lo cụ Trạm bay nữa. Mà sao họ ác rứa khôông biết , đã tự tử còn đưa ra xử bắn . Má tôi dừng lại vì mệt . Uống cạn cốc nước má tôi đi đến trang thờ ba tôi bằng mấy miếng ván vừa nói vừa khóc:
- Ôông ơi là ôông ơi. Cháu đích tôn thừa trọng bị bắn chết , chừ bác cấy chết , có ai mô nữa mà đích tôn với thừa tự , trời ơi là trời     Chị tôi nói:
- Thôi má khóc lóc cũng chẳng được chi , má nín đi cho các con đỡ tủi , cho vong hồn của ba được yên nơi chín suối . Đằng nào cũng rứa, lạy mụ, lạy ba , chiếc khăn má đang bịt đó cũng là bịt chung cho ba và mụ, trọn đạo vợ chồng , trọn bề bác cháu , một cổ mấy tròng biết mần răng được.
Má tôi sực nhớ nói với chị:
- Khi hồi trong mả dì Nghệ có nói chiều con đi chợ mua cái liềm, mai đi bứt rèng rèng với dì về làm chổi mà bán .
Chị mừng hỏi lại:
- Thiệt không má , dạ chiều con đi . 
Ngày mai khoảng độ mười giờ , chị tôi gánh về một gánh rèng rèng thật to . Má và tôi mang ra phơi để kịp chiều mai đập và rũ hết lá . Tôi hỏi má :
- Làm xong bán ngoài chợ miềng phải không má.
- Ừ, bữa khác nhiều phải đi Hoàn Lão bán nữa. Ngày mô con nghỉ học coi nhà, má cùng đi bứt với chị.
Tôi nhớ có một lần má tôi nói với hai chị em:
- Mai đi về, đừng có phơi nữa , đưa ra sau khe ngâm nước cho nó thối , rũ lá cho nhanh . Ngày mai cả má và chị bứt về đem ngâm xuống nước, hai ngày sau lôi lên , chao ôi là nặng . Khi chưa ngâm hai bó một người gánh , bây giờ ba má con khiêng mội bó không nổi ì à ì ạch , mà lá rủ cũng chẳng được . Thành thử phải rải ra phơi lại , hai ba ngày sau mới chà, mới rủ được lá. Chổi làm được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Được cái mùa hè nắng to nên chổi khô nhanh và màu đẹp, ai cũng ưa. Nhờ vậy việc ăn uống của mấy má con khá hơn trước nhiều.
Một hôm dì Nghệ bàn với má:
- Chị à, trong tui chật ngoài chị rộng, miềng làm chè tra * mà bán , bộ đội họ mua cho đơn vị uống , đắt lắm .
Má tôi chưa biết mô tê liền hỏi :
- Răng dì biết. Họ uống chè tàu, chè góp, chè xeng. Chè tra chỉ có kẻ lái như làng miềng uống , kẻ ruộng họ uống chè góp , chè lá vội có ai uống chè tra mô dì?
- Tui hỏi họ rồi , bán trên chợ Hoàn Lão họ mua cả hai ba bao một lần  .  
Mạnh dạn mà làm đi chị.
- Ờ cũng được, mai hai dì cháu đi đi . Có cái cối mấy cái chày mụ Hoán để lại cho miềng đó khỏi phải mua. 
Thế là từ đó công việc bận bịu suốt ngày. Do nghỉ hè nên tôi cũng phụ giúp được khá việc . Lá bông trang chị bứt về , tôi và má dùng dao phay, dao rựa bằm nhỏ .Tối lại ăn cơm xong, hai chị em đâm quết, má ngồi hốt chè ra khi lá bông trang đã đâm bầm dập hoặc cho lá mới vào cối đâm tiếp. Chè đâm xong cho vào rổ to ủ kín một đêm, ngày mai đem ra phơi trên nôống màu đỏ bầm trong rất đep mắt. Gặp nắng có khi một ngày đã khô, cho vào bao tải đợi phiên chợ gánh đi bán. Mấy hôm đầu chưa biết chế nước lá trâm đồi, ít quá đâm mệt ơi là mệt. Vì khô, nên lá bị nín không xảo được, phải dừng lại, dùng dao nhọn chọt đảo lên hai ba lần, thành thử thời gian đâm phải lâu hơn . Nhưng khi thêm tỷ lệ nước trâm đồi nhiều hơn thì nước văng lên tận mặt hai chị em và má, áo quần lem luốc như ai ăn trầu nhổ vào, trông vằn vện thật là bẩn thỉu.( Cây mẩu đơn ( lá bông trang). Nhưng rồi càng làm càng có kinh nghiệm . Nhờ chế tỷ lệ nước vừa đủ cho nên chè ra cối rất nhanh, mà cũng không phải chịu những trận nước trâm đồi bắn lên tung tóe vào người thảm hại.
Một bữa chị tôi đi Hoàn Lão về khoe với má:
- Má ơi ! Hôm nay con bán xong , O Xủm ( Cô ruột )gọi lại cho ăn cơm với một khúc cá  thiệt to.
Má tôi cười, rồi hỏi:
- Rứa con có mua vải may áo cho em khôông ?    
- Dạ có . 
Chị tôi lôi trong túi vải màu nâu ra mấy chuông vải trắng Ba Đồn sợi thô nói với má:
- Con mua vừa đủ may áo cộc tay cho Dũng .Tháng sau con mua lại may cho em áo dài tay cho em đi học.
Tôi chạy lại cầm lấy vải ướm vào người lòng mừng khôn xiết:
- Áo này em mặc đẹp thì có đẹp ,nhưng đâm chè e rồi cũng bẩn .
Chị tôi nhìn tôi cười:        
- Thì tối mô đâm, em cởi ra hay thay áo cũ vào mà đâm.   
Cuộc sống dần dần quen đi , và có chiều hướng thanh thản vui vẻ hẳn lên như cây khô gặp trận mưa rào, lá xanh trở lại. Thay cho những đêm trấn áp, những nỗi lo âu căng thẳng là những đêm trăng sáng, ngồi rủ lá hay bó chổi, hai chị em tự động viên nhau hát hò vui vẻ. Chị đóng vai hai mẹ, con Ngọc Hương, em thủ vai chú Nghĩa và Lâm Quốc Sĩ cha của Ngọc Hương trong vở kịch cải lương : “Thù nhà nợ nước” mà đoàn văn công liên khu Bốn về diễn tại sân đình năm trước. Nhiều đêm đâm chè chị kể tiểu thuyết “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng và “ Gánh hàng hoa ” của Nhất Linh Khái Hưng cho má và tôi nghe vượt qua cơn buồn ngủ.
Trước đây chị tôi rất đam mê đọc sách đến nỗi trốn ba tôi vào bếp vừa nấu cơm vừa đọc, có hôm cơm cháy khét cả nồi.  Do có tủ sách “ Thân Hữu”  do anh Cư tôi và chú Tịnh thành lập lúc đang còn học ở Huế, cho một số bạn bè học sinh ở quê hương giao lưu sinh hoạt. Địa điểm đặt tại nhà dì Nghệ nên chị tôi có cơ may tiếp xúc được vốn liếng văn học T.L.V.Đ. khá nhiều. Bản thân tôi cũng vậy, thông qua những đêm “ kể chuyện đêm khuya” do chị tôi thực hiện mà tôi được nghe nhiều, biết nhiều, hơn bạn bè đồng trang đồng lứa, có ít nhiều vốn liếng thơ văn, sử dụng trong những năm theo học cấp hai, cấp ba và cả hôm nay.
Tự tạo lấy nguồn vui bàng những đêm nói trên,  mà ngày qua tháng lại, quên đi nỗi nhọc nhằn vất vả hàng ngày, vì miếng cơm manh áo và quên đi những gì mất mát đau thương vô hạn, không gì có thể khỏa lấp nổi

6 nhận xét:

  1. lá mẫu đơn uống thay chè dc hả anh.Hôm nào gửi cho lão 1 ấm trà này để lão thưởng thức.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. uống được thay thế chf xanh em ạ bây giờ ko ai dùng có đâu mà gữi

      Xóa
  2. Lầm lũi bước rời nhà tang tóc
    Ba mẹ con nào khóc được đâu
    Đầu khu Xóm Quán túp lều
    Vấn khăn lạnh lẽo cho nhau âm thầm

    Tang tóc lại chồng thêm tang tóc
    Mụ Hoang vừa chết gục theo cha
    Hai ngày năm cái tang gia
    Còn đâu nước mắt để mà khóc đây

    Ngẫm lại đoạn viết này mới thấy
    Chị Hanh người tất thảy lo toan
    Với mẹ khóc chị ủi an
    Với em lo vén chu toàn áo cơm

    Tấm lòng chị thảo thơm lo lắng
    Lại rèng rèng núi vắng kiếm về
    Đập phơi rũ lá rồi chà
    Chợ Miềng…Hoàn Lão bán qua tháng ngày

    Ơn trời Dì Nghệ cho hay một kế
    Trà Trang mang bán để kiếm thêm
    Mụ Hoang mất…Cối còn nguyên
    Mẹ con dì cháu ngày đêm giã trà

    Ngày cơ cực trôi qua lặng lẽ
    Tấm áo manh mới mẻ đến tay
    Em mừng chị ước bao ngày
    Còn mơ tấm áo dài tay mai này

    Đêm giã trà ai hay thiếu nữ
    Vẫn mơ màng với Tự Lực…văn
    Chị em trao đổi đêm trăng
    Thương thay chị đã bao năm nén lòng

    Ham học hỏi phải chăng là chị?
    Hay cả hai? Thủ thỉ bên nhau
    Trao em kiến thức trong đầu
    Mong em chăm học mai sau thành tài

    Em với chị niềm vui chỉ vậy
    Mấy chục năm như thấy mới đây
    Tình thân ruột thịt thêm dày
    Có em có chị..có ngày mai vui

    Giờ nhớ lại ngậm ngùi đôi chút
    Bao năm rồi Xóm Quán xưa kia
    Thương chị tần tảo sớm khuya
    Mẹ và chị mãi thương về em thôi

    Giờ đây mái tóc ngời màu tuyết
    Hai chị em da diết nhớ thương
    Mẹ đơn chiếc dãi nắng sương
    Chịu bao nhiêu những đoạn trường can qua

    Dấu xưa chẳng thể nhòa ngay được
    Viết đôi dòng mong ước chú vui
    Dẫu qua bao dặm ngậm ngùi
    Cháu mong đoạn cuối nụ cười nở hoa

    Trả lờiXóa
  3. Đúng như vậy từ đây đổi khác
    Bao đau thương vùi lấp ê chề
    Từ đây đốn củi làm chè
    Mẹ con lần lửa đi về sớm hôm

    Sống qua được những ngày thiếu thốn
    Robinsơn trên cạn khác chi
    Hai bàn tay trắng có gì
    Tự mình, mình cứu thoát ra bùn lầy

    Cảm ơn cháu đã tiếp tay
    Chú tin hồi ký có thơ hay bội phần

    Trả lờiXóa
  4. Một thời oan khuất lặng thầm
    Hoa trôi mặt nước cát lầm đời xanh
    Biết bao giờ được yên lành
    Dắt nhau cuối bãi đầu gành bơ vơ
    Nhưng nhờ khéo liệu khéo lo
    Cho nên buồn tủi cực cơ lùi dần
    Mẹ con lầm lũi tảo tần
    Chuỗi ngày khốn khó có phần đỡ hơn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây mới chỉ ngày đầu lầm lủi
      Bỏ cơ ngơi mình tạo dựng nên
      Ra đi cúi mặt lặng thầm
      Không vành khăn trắng nát bầm ruột gan

      Tất cả chỉ cầu mong phù hộ
      Sức của mình chống đỡ được chi
      Mình như con tép ,con cò
      Lần mò mà sống hải hồ ơn trên...............

      Xóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Hình ảnh : Copy link hình và dán trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ
LƯU Ý :Định dạng đuôi ảnh hỗ trợ ['JPG','GIF','PNG','BMP']