HTML/JavaScript



NgocDungLyhoa chân thành cảm ơn các bạn ghé thăm

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Hồi Ký Đời Học Trò Của Tôi - Chương 19



19 . SANG NGANG LỠ BƯỚC

Không hiểu vì sao từ ngày vào học lớp tám đến giờ tôi như người bi quan chán nản. Vẫn ngày nào cũng đến trường ,vẫn thâu nhận bài vở tốt , không có gì là thua kém .Bạn bè vẫn chan hòa vui vẻ, còn thân tình hơn nữa là đằng khác .Nhưng mà có cái gì đó vô hình khiến cho tôi cảm thấy bất an trong lòng ,thành thử đôi khi đâm ra chán học.  Trước đây những điều tôi cho đó là bình thường  , đơn giản , không đáng để tâm. Nhưng vào học lớp tám cấp ba tôi lại nghĩ khác , nó có liên quan đến sự nghiệp tương lai đến cuộc sống bản thân sau này .Học ba năm cấp ba sẽ đưa tôi đến một bến bờ nào đây ? Hay như bao nhiêu mẫu đời tắc tị đang còn chơ vơ , lầm lủi nơi đất Hà thành ?Đã có vài ba người quay về làng tìm đường vượt tuyến vào Nam .Họ là những con người có học ,xuất thân trong những gia đình nho học , tây học , có khoa bảng , có lịch sử quốc gia công nhận chứ đâu phải hàng mả ,tiến sĩ giấy của cụ Nguyễn Khuyến bán mua ngoài chợ .Họ là những người còn có cái ghế để dựa khi mõi gối chồn chân ,còn có cái ô để che khi trời nắng đốt mưa dầm ,nhưng mà họ vẫn cố tìm cho mình một con đường sống riêng cho bản thân ,dù con đường đó có thể bỏ mạng làm mồi cho cá biển , nếu không thì ngồi bóc lịch ăn cơm vắt , làm việc khổ sai khi pháp luận sờ tay đến . Anh Nguyễn Duy Long con ông Nguyền Duy Sán là một thẩm phán một tỉnh ở Bắc kỳ thời kỳ phong kiến và sau hòa bình là cán bộ phụ trách giáo dục tỉnh Q. B , từ Hà Nội về Đồng Hới tìm đường vượt tuyến vào Nam , nhưng không thành bị bắt , may nhờ có ông Sán bảo lảnh không thì chịu bao điều khổ lụy bản thân .Anh Nguyễn Duy Lộc có chị Thạnh hay Kim Anh gì đó lấy nhà thơ Xuân Sanh ở Hà Nội cũng về làng tìm đường đi như anh Long ,cũng bị thất bại may mà không lộ. Ngay lớp năm tôi học trước đây có thằng bạn là Trần Công Khanh đang học yên lành tự dưng biệt tích vô âm tín ,một tháng sau đã nghe nói đài Saigon đưa tin đã vượt vô Nam  .Đúng là một mớ lòng bong không sao hiểu nổi .  Riêng tôi cũng bị anh Nguyễn Duy Long (cháu gọi dượng Công bằng chú ,đường thúc bá) đến nhà cù rủ tôi đi ,nhưng tôi không đi vì cả nhà chỉ có ba mẹ con  , anh Cư tôi đã ở trong Nam , chỉ mình tôi là con trai duy nhất đi làm sao được . Cơ bản lúc đó tôi chưa có gan và không có máu me làm những chuyện tày đình nguy hiểm đó. Những sự kiện như vậy cộng thêm những điều thua thiệt hơn người ta về quyền lợi , cả nghỉa vụ xã hội , cũng làm cho tôi không tiên lượng được số phận của minh sẽ đi về đâu hay là như con thuyền không lái , trôi giạt lênh đênh trên biển cả ,  măc cho gió dập sóng dồi chìm nghĩm giữa phong ba , giữa cơn lốc cuộc đời .       Các thầy giáo dạy tôi bây giờ không phải như thầy Long , thầy Sánh , thầy Khả …hồi xưa nữa , mà tôi có cảm giác xa lạ không cảm tình chút nào . Nhất là không ít có vài thầy dạy yếu mà còn nặng nề về thái độ chính trị , không thoáng , không gần gũi học sinh , ai cũng giữ cho mình một khoảng cách ,một cuộc sống ‘trong sáng’ cho bản thân mình .Có thầy như một nông dân thực thụ ,nói năng lời lẽ chỉ toàn hô hào khẩu hiệu đến mức nước bọt ứa đầy hai mép như miệng hổ trông mà phát khiếp . Sinh hoạt toàn trường mà khăn lông cứ vắt vai như là anh cấp dưỡng ,rồi cũng đứng lên thuyết trình ngay giữa sân trường mỗi buổi sáng chào cờ đầu tuần . Hình ảnh đó không hiểu sao bây giờ tôi vẫn nhớ không quên một chút nào . Con người ta đôi khi cũng phải buồn vì cảnh dã tràng xe cát biển đông . Hơn hai năm học tập là thế , công cán là thế , đứng đầu trước cỗng đoàn là vậy mà đâu có được kết nạp vào đoàn , cái thước đo trình độ chính trị đã không có thì làm sao chui vào được đại học này , trung cấp nọ , e chỉ là công coòng nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì  .Càng nghĩ càng buồn ,càng thấy chua chát , chán nản không sao chịu nổi. Năm nay để tập trung vào học tập , nhất là mấy bạn trong tổ phụ trách T. N. T. P. đi học các khóa trung cấp cả rồi ,nên thị đoàn cho giải thể để nhà trường cấp một tự quản lý lấy .Thành thử ngoài đi học , tham gia các công việc của trường , của lớp như lao động , tập dân quân tự vệ chẳng có gì vui và sôi nổi nữa . Những lúc rãnh tôi lại đến nhà Ngoại giải tỏa tinh thần ,vì chỉ có Ngoại là tôi có thể trao trút tâm sự được mọi nỗi buồn vui , vì Ngoại không đi học nữa có thể dễ hiểu cho tôi     
Vào một buổi chiều sau tết âm lịch , nắng yếu , trời đang còn se lạnh , hai đứa vừa ngồi nhấm nhí mấy thứ bánh kẹo ngày tết còn lại . Ngoại nói với tôi :    
-  Dũng à,  có lẽ năm nay mình nộp hồ sơ xin thi vào một trung cấp nào đó . Cậu xem nên thi ngành nào cho hợp với khả năng của mình, nhất là có việc để làm kiếm sống nuôi thân , giúp đỡ gia đình , chứ ở nhà thì chán lắm. Nghe bạn nói mà tôi mừng cho bạn .Vì không có gì hơn , là bất cứ làm việc gì mà không có trình độ chuyên môn thì sau này chỉ có đưa sức ra mà vật lộn với cuộc sống , chẳng khác gì anh nông dân suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời , nhất là mình đã có trình độ cấp hai …Uống xong cốc nước tôi động viên Ngoại:    
-  Cậu đã có ý thay đổi rồi đấy, không suy nghĩ ngắn ngủi như trước đây nữa .Cậu yên tâm , cho mình suy nghĩ đã , mình sẽ có ý kiến sau – buột miệng tôi nói tiếp, không dấu lòng mình .
– Mình cũng đang chán học đây , không khéo mình cũng thi với cậu . Ngoại đưa mắt nhìn tôi ngạc nhiên :     
- Sao cậu chán ? Nếu không khó khăn kinh tế thì cậu học tiếp đi chứ . Hoàn cảnh mình khác , cậu khác kia mà . Tôi thủng thẳng trả lời :     
- Về kinh tế thì không đến nỗi ,nhưng ..mình.. nghĩ ..đằng ..nào …cũng kh..ó . Chi bằng đi trước còn hơn , để ba năm sau thì e quá muộn . Ngoại như chợt hiểu nỗi niềm kín đáo của tôi nên không nói một lời nào nữa . .
Hai đứa trầm ngâm im lặng ,một thoáng buồn hiện lên trên hai khuôn mặt của hai người . Ngoài sân nắng đã nhạt nhòa ,chuông đồng hồ trên bàn đã đổ rền ,báo cho biết đã bốn giờ chiều .Tôi giật mình :   
- Chết bốn giờ rồi cậu đi xay bột cho bác gái kẻo chiều rồi , mình cũng phải về đây .Ngoại tiễn tôi ra sân nhắc lại :     
- Nhớ nhé ,nếu như cậu thi nữa thì không có gì vui bằng . Hai đứa cùng thi một ngành thì hay biết mấy. Đêm đó tôi không sao ngủ được. Ý nghĩ thi hay không thi cứ ám ảnh trong đầu óc tôi . Cuối cùng tôi quyết định thi , thử vận may xem sao .Về học lực hoàn toàn tôi không có gì để lo ngại chỉ sợ một rủi ro nào đó mà nhân gian đã nói : ‘’ Học tài thi phận ’’ mà thôi .
Mấy ngày đầu tôi vẫn đến trường đều đặn nhưng ý thức không còn tập trung nữa . Tôi và Ngoại quyết định thi vào trung cấp ngoại ngữ Nga văn . Nếu một mình ,  thì tôi thích đi ngành điện ảnh vì đây là ngành tôi thích nhất vả lại đây là ngành mới mẽ lúc bấy giờ , dể bề xoay sở và ít người dự thi . Nhưng để cho vui bạn vui bè nên tôi cùng đi theo chí hướng của Ngoại . Mà đi trung cấp ngoại ngữ cũng hay , vì sau khi học có thể đi phiên dịch , dạy học , dịch sách . Hiện giờ Việt Nam phần lớn đang dùng sách Nga , Trung quốc  nhiều hơn kể cả văn học , chính trị xã hội , khoa học kỹ thuật . Sang ngang lỡ bước kêu ai bây giờ.
Làm hồ sơ xong là tôi lặng lẽ nghỉ học , ôn lại bài vở cho nhuần nhuyễn . Tôi về quê thăm gia đình đồng thời báo tin cho má và chị tôi biết . Mọi công chuyện coi như không có gì trở ngại , chỉ có nỗi vui mừng phấn chấn cho một viễn cảnh không xa . Ngày khoác ba lô lên đường đi Hà Nội học , hầu như ngày nào cũng hiển hiện ra trước mặt tôi , đôi khi tôi bần thần như người lãng du là đằng khácSau các kỳ thi tốt nghiệp là kỳ thi chuyển cấp và cuối cùng là các kỳ thi trung cấp chuyên nghiệp và đại học .Tôi không vào sớm để coi số báo danh , vì cho rằng hố sơ nộp đã có giấy báo nhận , cho nên chỉ cần vào sát ngày thi để nhận phòng là được .Trên  đường vào Đồng Hới ,trước khi vào nhà tôi ghé vào ty giáo dục coi số báo danh .Đứng trước bảng báo danh mà tôi bàng hoàng như lửa đốt . Tại sao Hồ Ngọc Dũng không có mà chỉ cò Hồ Ngọc Hương , ngày tháng năm sinh cho đến nơi ở quê quán không sai một chữ nào, mà chỉ có tên là không phải , Tôi run cả người , mồ hôi toát ra như tắm Làm sao bây giờ , ngày mai thi rồi ? Tôi chạy lại bưu điện đánh ra cho trường một bức điện hỏi và đề nghị cho đính chính lai hồ sơ . Đó chỉ là phương pháp thông báo cho hội đồng chấm thi của trường biết trước sự cố sai sót mà thôi , quan trọng nhất là làm sao để ngày mai vào được phòng thi cho kịp .Tôi vào ty giáo dục tìm gặp thầy Lê Hữu Đang trưỡng ty giáo dục Q.B. ,xin thầy can thiệp cho sự cố éo le này . Thầy hứa sẽ điện ra cho trường và bảo tôi :        
 - Ngày mai em cứ đến thi ,nếu như không có ai tên Hương vào thi thầy sẽ nói ban giám thị cho em .Còn mọi việc sẽ giải quyết sau .    
Tôi hơi tạm yên lòng nhưng nỗi lo lắng cứ nôn nao khó chịu . Có một điều gì đây khó hiểu ,chắc chỉ  có cố ý mới có sự nhầm lẫn vô lý này .Dũng có thể là Dung do thiếu dấu ,hoặc có thể là Dùng hay Dụng gì đó còn có thể nghe được vì sự sơ ý lúc đánh máy . Còn đây sai cả một vần ung ra ương , D ra H không thể nào có sự nhầm lẫn một cách phi lý như thế  được . Tôi nghi ngờ hay là họ đã cố ý đánh trượt tôi ngay từ đầu . Nếu thế thì còn chi nữa mà kêu cứu chỉnh lý , mà thi cử ,hoàn toàn vô ích .Còn gì nữa mà không thất vọng , thuyền đã sang ngang vừa ra đến giữa dòng mất hướng rồi . Gió đã nổi ,sóng đã to con thuyền chao đảo giữa vòng nước xoáy . Càng nghĩ càng tức cho số phận hẩm hiu của mình , vì đây không phải là lần đầu mà mình đã gặp nhiều sự oái oăm không chịu nổi .Ngày mai tôi vẫn vào phòng thi. Bài vở vẫn làm tốt .Sau giờ thi , Ngoại đến tìm tôi , tôi buồn rầu hỏi Ngoại :      
 - Cậu làm bài tốt chứ ?      
 Ngoại lý nhí trong miệng : 
- Được .      
Hai đứa chỉ có hỏi nhau vài lời ngắn gọn .Tâm trạng đồng cảm chia sẽ cho nhau chỉ có vậy , nói làm sao cho bạn được vui lòng .  Trên đường về mà lòng nặng trĩu buồn lo . Sóng bước bên nhau im lặng như hai người xa lạ  .Trước lúc trở lại quê nhà tôi nói với Ngoại :        
- Như vậy là đã có dấu hiệu mình và cậu không thể đi chung một con đường , không thể hợp lực cùng nhau trong cuộc sống như chúng mình đã hứa và đã sống mấy lâu nay . Mình sẽ không đi học trung cấp ngoại ngữ là cái chắc , mình và câu từ đây sẽ xa nhau không biết bao giờ gặp lại . Có chăng đi nữa chỉ là mấy dòng thăm hỏi sức khỏe động viên nhau qua trang giấy mà thôi .Ngoại cầm lấy tay tôi :     
 - Mình cũng buồn lắm Dũng ạ . Ai ngờ công chuyện lại xẩy ra nông nỗi này . Ngoại cũng đã từng tưởng tượng ra viễn cảnh khi hai đứa mình thi đậu ,thế mà bây giờ phải chia lìa buồn quá Dũng ơi . Biết thế cậu cứ tiếp tục học ai ngờ .Tôi nói với Ngoại một cách chua chát :
- Không , thế mà hay đấy cậu ạ .Mình cũng đã tính rồi ,đằng nào mình cũng khôngthể ngoi được khỏi mặt nước .Có học ba năm cấp ba đi chăng nữa cũng chỉ được cái bằng tốt nghiệp mà thôi . Chẳng thà hôm nay nó xẩy ra như thế để mà liệu cơm gắp mắm , khỏi mất thời gian chờ đợi vô ích .
Ngoại động viên tôi :
- Ước chi nhầm lẫn đó là sự thật .
Tôi khoát tay :
- Không có đâu ,trăm lần không có Ngoại ơi .Linh tính đã mách bảo cho minh biết mấy hôm nay rồi .Từ giả mái trường ,từ giả Đồng Hới , tạm biệt bạn bè và mọi người .Dù không học cấp ba ,không học ngoại ngữ ,nhưng mình cũng phải đi đâu đó để kiếm công ăn việc làm . Sang ngang lỡ bước mất rồi   
Tôi bắt lấy hai tay Ngoại ,ôm chầm lấy bạn một hồi lâu rồi cúi đầu bước đi . Ánh sáng điện đường nhạt nhòa trong khóe mắt . một luồng gió xoáy thổi mạnh ,bụi đường mờ mịt ,rác rưởi quấn lấy chân tôi .

1 nhận xét:

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Hình ảnh : Copy link hình và dán trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ
LƯU Ý :Định dạng đuôi ảnh hỗ trợ ['JPG','GIF','PNG','BMP']