HTML/JavaScript



NgocDungLyhoa chân thành cảm ơn các bạn ghé thăm

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

HỘI KÝ : NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI
18:54 29 thg 9 2012Công khai76 Lượt xem6


CHƯƠNG II
NHỊP CẦU
NỐI NHỮNG BỜ VUI

Đêm liên hoan chào mừng kỷ niệm quốc khánh mồng 2 tháng 9 được khép lại bằng vở kịch nói mang tên “ Trung phong Vũ Hoàng ” một cách tốt đẹp. Sau tiếng vỗ tay của khán giả mọi người ra về nhưng cũng không ít người ở lại gặp tôi và các nam nữ “diễn viên” là con em học sinh trong làng mới học hết cấp hai để bắt tay, động viên khen ngợi.

Nếu chúng tôi là thành viên đội văn nghệ xã, thì niềm vui có lẽ nó đi theo chiều hướng khác. Nhưng đây lại là đêm diễn chúng tôi kết hợp, đống góp đột xuất với thành viên lạ hoắc, chưa từng thấy trên sân khấu xã nhà. Cho nên tôi và các thành viên trong vở kịch, ngoài niềm vui chung còn có niềm vui riêng nữa, nhất là tôi vừa chỉ đạo, đạo diễn và đóng vai chính nên tràn ngập niềm vuisung sướng không gì tả nổi.

Đang như con chim lạc bầy bay giữa không trung đơn chiếc, nhất là trong những ngày tháng lo âu hồi hộp, mong chờ kết quả thi cử. Ăn không ngon, ngủ không yên, lòng cứ nặng trĩu nỗi buồn hỏng thi và có thể thất nghiệp chưa biết đến bao giờ mới an thân hoan hỷ.

Mùa khai giảng sắp tới, không khí ngày tựu trường của học sinh trường làng đã hàng ngày nhộn nhịp hẵn lên, hiện ra trước mắt tôi nghe mà nao nao khôn xiết. Khiến cho tâm hồn cảm thấy hụt hững, tưởng mình đang bước qua những đoạn đường đầy hang hố, dốc cao trơn trượt, với những bước đi cứ tưởng đặt ở đâu cũng lưng chừng lở nhịp.

Vào một buổi trưa trời nóng, cảm thấy trong người bức bối khó chịu tôi lần xuống bờ sông, nơi mà ngày xưa trẽ con chúng tôi hay tụ tập đùa nghịch với sông nước, hay ngồi hóng mát dưới gốc cây xoan, để giải tỏa nỗi ưu tư phiền muộn trong lòng.


ẢNH MINH HỌA

Tuy đã sang Thu nhưng nắng vẫn còn gay gắt khó chịu. Đang lúc thủy triều rút xuống, cồn nổi giữa sông bày ra làm cho ta cảm thấy dòng sông như hẹp lại. Mặt sông phẳng lặng như tờ, nổi lên những phao bóng bắt cua bằng ống tre rãi rác rất đều đặn, khi ẩn khi hiện trên mặt nước. Một chiếc thuyền nan của ai đó chầm chậm trôi giữa dòng sông. Trên thuyền một dáng người mãi mê khom lưng, đưa tay bắt những ống tre kéo lên một cái vòng có giăng lưới, thụng xuống như một cái nón lật ngữa, rồi lại thả xuống về vị trí củ. Thỉnh thoảng, có lúc kéo hẵn lên khoang thuyền vì trong vòng lưới đã có cua hoặc để thay mồi. Cứ như vậy chiếc thuyền cứ âm thầm lặng lẽ khua chèo, di chuyển ngược xuôi một cách cần mẫn.

Bên kia cồn vài đôi cò trắng lẫm chẫm vừa đi, vừa cúi đầu lấy mõ sục bùn tìm con tép con tôm. Thí thoảng vỗ cánh vài cái, nhảy lò cò tìm đến vũng nước khác để mong tìm những con mồi béo bở ngon hơn. Xa xa tận đầu cồn gần cầu đúc bắc qua sông có một dãy kè đá - gọi là hàn - do ông cha ngày xưa tạo nên để bảo vệ làng xóm, chặn dòng nước lũ khi bảo tố lụt lội xẩy ra. Kè đá này đã trỡ thành là nơi cho cư dân đàn bà làng Hiền Sơn chiếm giữ khi mùa hè nước ròng, đến đây đập hàu bán kiếm tiền đong gạo.

Đang mãi mê suy nghĩ, theo dõi động thái bắt cua của ngư ông trên thuyền nan bé bổng, thì bỗng nhiên có tiếng nói sau lưng :

- Dũng à ! Ngồi hóng mát phải không ?

Tôi giật mình quay lại, thì ra Duy Tân con ông Hoàng Bá và Trần Nhân con ông Cữu Hứa Xóm Ngoài. Trần Nhân học trước tôi một lớp hồi cấp một, không biết cậu ta thi trung cấp ngành gì không rõ. Còn Duy Tân mới tốt nghiệp cấp hai năm nay. Tôi đứng dậy bắt tay hai người nói nhỏ và không vồn vả cho lắm vì thực tình biết thì có biết, song ít lần gặp nhau nên đâm ra e ngại :

- Hai bạn tìm mình có việc gì à ? Duy Tân nháy nháy đôi mắt chớp chớp, cười rồi giục Trần Nhân:
- Hà ..hà..có chớ. Anh Nhân nói đi.

Trần Nhân kéo tôi ngồi xuống rồi nói :

- Thế này Dũng à . Có một số bạn học sinh nghĩ hè đang tham gia công tác hè ở xã, muốn nhân dịp lễ Quốc Khánh mồng 2 tháng 9, đội văn nghệ xã tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày tết độc lập. Các bạn ấy muốn tham gia một tiết mục văn nghệ để có thành tích ghi trong phiếu nghĩ hè. Nhưng không có ai hướng dẫn. Nghe nói Dũng có năng khiếu văn nghệ nên mình và Tân đến gặp cậu, đề nghị cậu tham gia cho vui.

Sẵn trong lúc đang buồn, không biết làm gì cho khuây khỏa, nghe nói vậy cũng thích, nhưng đang còn lo ngại vì chưa biết rõ khả năng và ưa thích của các bạn trong bộ môn nghệ thuật sân khấu nào, nên tôi trã lời một cách dò xét:

- Ờ! Mình cũng thích nhưng không biết có đủ khả năng giúp các bạn hay không. Thế các bạn thích diễn loại gì. Ca kịch hay kịch nói hay là ca múa, đồng ca, tốp ca ?

Tân lại nhấp hai mi mắt đỡ lời :
- Các bạn thích diễn kịch anh ạ ! Chẳng ai có năng khiếu hát !

Trần Nhân thêm vào :

- Mình cũng thích kịch. Cậu xem có vỡ kịch nói nào thích hợp với khả năng tụi mình là được .

Tôi suy nghĩ một hồi lâu mới trả lời chậm rãi :

- Tất nhien là có. Nhưng chỉ là kịch nói chủ đề đấu tranh thống nhất nước nhà thôi. Còn mấy vỡ như “Cánh cửa sổ”, “ Mùa tuyết” và vỡ gì đó nữa của Liên Xô e diễn không hợp ở làng mình. Chứ mình không có kịch chủ đề xây dựng đất nước, làm ăn kinh tế, hoặc xây dựng H.T.X. Mà các vỡ đó cũng rất khó diễn, khó thể hiện cho đạt. Vì chúng ta là học sinh chưa thể thể hiện nổi những vỡ kịch mang tâm trạng đấu tranh tư tưởng xã hội, ý thức chính trị.

Sau đó tôi kể qua nội dung vỡ “Trung phong Vũ Hoàng” kịch nói một màn của Hồng Chương cho các bạn ấy nghe. Trần Nhân và Duy Tân thích lắm. Trần Nhân tỏ ra phấn khởi liền nói:

- Để mình đóng vai ông bầu bóng đá Trần Văn Bật, em Trần Lệ Xuân vợ Ngô Đình Diệm. Còn Duy Tân đóng vai ông bầu Ngô Đình Biện em Ngô Đình Diệm. Còn Dũng, cậu đóng vai trung phong Vũ Hoàng, được chưa ?

Duy Tân hỏi:

- Thế ai đóng vai Thanh vợ trung phong Vũ Hoàng ?

Tôi hỏi thêm :

- Thế các cậu cho mình biết ai là nữ trong đội kịch?

- Hiện giờ thì có Kim Liên em của thầy Đức con ông Bưu và Bích Hợi con ai nhỉ ? À, cháu mụ Hiệp, Dũng có biết không ?

- Có , mình biết !

- Thế cậu xem xem cô nào thủ vai nào cho phù hợp là được ?

Tôi suy nghĩ một hồi rồi phân tích :

- Vì chúng ta chưa qua trường lớp sân khấu nên phải chọn diễn viên có thể hình mang tính cách nhân vật đó. Nhất là âm thanh, giọng nói nghe qua cũng đủ biết nhân vật này tính tình ra sao rồi. Theo mình Hợi to béo lại có giọng nói nghe hơi khét, đóng vai vợ Ngô Đình Biện là hợp nhất. Vì vợ của một ông bầu bóng đá, em ruột của T.T Ngô Đình Diệm, mưu mô xảo quyệt, tìm mọi cách dụ dỗ Vũ Hoàng ra sân cỏ để mong cầu đội mình đầu bảng, để tiếp tục được đi Băng Kốc Thái Lan dự giải bóng đá Đ.N.A, nhằm kiếm lợi nhuận từ bóng đá, có cơ hội ra nước ngoài để buôn bán ma túy. Còn Kim Liên đóng vai vợ trung phong Vũ Hoàng, một phụ nữ có con đang còn ốm thập tử nhất sinh không có tiền chạy chữa. Trong lúc Vũ Hoàng lại bị ông bầu Trần Văn Bật em ruột Trần Lệ Xuân sai côn đồ bí mật xông vào phòng thay đồ của cầu thủ đối phương, đánh chấn thương ống chân của Vũ Hoàng, hòng kìm chế sức mạnh của đội bóng do bầu Ngô Đình Biện chủ soái. Thôi cứ tạm như vậy đã. Có gì trong khi tập mình sẽ bổ sung hay thay đổi sau, miền là có giọng nói và hình dáng cho phù hợp bản chất nhân vật là được. À, còn hai vai nữa đấy, tay chân của hai ông bầu nữa các cậu xem có ai thì bố trí vào cho đủ, nhưng phải là người to khỏe, dáng dấp hung dữ đó nghe.

Duy Tân đề xuất :

- Có, có. Thằng Hoan và thằng Ái, người tròn nục như đô vật đấy.

- Ôi ! Thế thì quá tuyệt. Các cậu cứ vạch chương trình sinh hoạt đi.

Cả ba ngồi nói chuyện kế hoạch một hồi lâu mới chia tay ra về.

Trời đã về chiều, mặt sông không phẳng lặng như trước nữa mà dập dờn sóng vỗ vào bờ nghe soàn soạt. Do thủy triều đã lên, cồn nổi giữa sông đã chìm đâu mất, cho nên sông có vẻ rộng hơn, tràng giang vời vợi. Chiếc thuyền nan kéo cua đã về từ lúc nào không biết. Vì vậy hình ảnh ngư ông hầu như bất động với những chiếc ống tre bập bềnh trên mặt nước cũng không có nữa, để lại những lượn sóng lăn tăn ánh bạc dưới ánh nắng chiều hôm.








Đêm hôm đó tôi không chợp mắt được. Viễn cảnh tương lai chưa biết về đâu. Những nơi tôi đã từng sống như ở Vinh, có nhiều cơ hội để lập thân lập nghiệp. Có công việc làm ăn, có bạn tình đang chờ đang đợi, chỉ cần tôi mạnh mẽ mội chút trong quyết định là xong. Nhưng khốn nỗi tâm trạng tôi lúc này chưa có một mảy may ham muốn, một chút lo âu cho tương lai.


Cũng không hiểu vì sao mà tâm trí tôi hiện giờ lại xuất hiện hình ảnh sân khấu ngày xưa nơi đình làng, khi tôi mới tròn tám tuổi. Nó hiển hiện rõ ràng trước mắt tôi như một cuốn phim đang chiếu.



….Tôi nhớ không quên, đêm hôm đó trời không mưa nhưng hơi se lạnh. Chị Hanh cõng tôi ra sân đình xem kịch. Sân khấu lúc đó vẫn lấy sân gạch trước cỗng tam quan đình làng làm mặt bằng sân khấu là chính và có bắc thêm mấy lối ván đằng trước cho đủ diện tích biểu diễn. Có trồng cột trang trí lá dừa, màn nhung đỏ thắm rất chi là giống gánh hát miệt vườn Nam bộ trước đây. Có lẽ do làng ta hay vô Nam ra Bắc buôn bán nên ảnh hưởng lối làm sân khấu kiểu Nam bộ nói trên hoặc là mang dáng dấp sân khấu tuồng cổ ngày xưa mà tôi được nghe các cụ cao niên trong làng kể lại : “…Trước đây làng mình cũng có người đứng ra tổ chức rạp hát, Diễn viên chủ yếu mời các đào nương ở Hoàn lão, Xóm Hát Thiền Yên về trình diễn. Nhà diễn lúc đó nằm ngay bên khu vực ruộng Tam Bảo chùa Vĩnh Phước Lý Hòa. Nhưng đến năm 1945 do thời thế thay đổi rạp hát cũng giải tán luôn..."







Ảnh minh họa
Ở dưới khán giả hôm đó, không ngồi bệt như bây giờ mà dùng đòn gianh của các ghe đang mùa lên ụ sửa chữa, đặt thành hàng trước thấp sau cao, cho nên ai cũng xem được, không phải chen lấn mất trật tự như bây giờ ngồi trệt.
Vẫn nhớ như in ánh sáng cho đêm diễn chỉ là ánh sáng từ hai cột đuốc bằng dầu đựng trong ống tre, thỉnh thoảng dốc ngược để thấm dầu vào nùi giẻ cho ánh sáng bùng lên sáng rõ.



Quá lâu nên không nhớ cốt chuyện của vỡ kịch mà chỉ nhớ tên của nó là vỡ : “YÊU LI”. Đây là vỡ kịch thơ rất hay, cốt tích chuyện Tàu thời Tần Thủy Hoàng với chủ đề nhân nghĩa thắng bạo tàn. Tôi chỉ nhớ một cảnh đuổi bắt một người đen thui chạy qua sân khấu, vòng ra hậu trường mấy vòng rồi vị tướng quân chạy ra giữa sân khấu, đưa ra trước mặt khán giả thanh gươm đâm xuyên một thây người bằng rơm trông mà như thật…


Sỡ dĩ mà tôi nhớ lâu như vậy vì các vai trong vỡ kịch đó có anh Cư, chú Thu, chú Nghệ, những người ruột thịt của tôi, rồi chị Đường con ông ấm Bột, ba anh em Hồ Thanh Minh, Hồ Hoàn, Hồ Đoan và một số nữa như anh Phan Thiêm, Hồ Hậu, Hồ Aí Thanh ( Xèng ) thủ vai. Và những đêm diễn đó không những cánh trẻ lo toan mà còn có sự hộ trợ của các bậc cha mẹ diễn viên bằng vật chất, cả công lẫn tinh thần. Thế mới biết làng ta vốn là làng có truyền thống văn hiến đời này qua đời khác. Ngoài lòng hăng say lao động, tạo ra của cải vật chất để ấm no giàu có, nhưng cũng vô cùng ham mê văn hóa nghệ thuật, để lớn lên trong tiềm thức không phải vì danh lợi cao sang, quyền cao chức trọng. Dám đem sức người, sức của để có một sân chơi đậm đà nhân văn như vậy.


Không hiểu vì sự đồng cảm về tinh thần văn hóa hay vì cái ren tố chất sinh ra mà tôi lớn lên cũng rất yêu nghệ thuật sân khấu theo cha anh ngày trước. Hay là muốn lấy sân khấu để hiểu đời hơn, đồng cảm với những , số phận con người đang sống.


Đúng là trọn một đêm không ngủ vì bao suy nghĩ mung lung. Chọn lựa để mưu cầu cho một lợi ích thì không rồi. Nhưng nhận lời thì liệu ta có vượt nổi những bất trắc không ? “Bút sa gà chết” là điều ông cha ta thường hay nhắc nhở, nhất là việc viết lách. Các trào lưu văn học Tự Lực Văn Đoàn, Nhân Văn Giai Phẩm, các cuộc bút chiến xưa nay về Văn học, về nghệ thuật sân khấu, hoặc trên các văn đàn phê bình tiểu luận cũng làm cho bao người phải lâm vào cảnh lao lý của cuộc đời. Vẫn biết ta chưa là gì trong xã hội, chỉ là văn hóa thôn quê, nôm na đàn ca xướng hát cho vui xóm vui làng, song chốn quê mới là khó thở, vì sự ganh tị : "Trâu cột ghét trâu ăn, quan võ ghét quan văn dài quần", thiếu sự thông thoáng trong tầm nhìn và suy nghĩ, hoạch định trắng đen theo cảm tính. Đôi khi luận bàn cục bộ chết người. Vui thì có vui đó. Nhưng lo cũng đáng lo đáng sợ. Họa vô đơn chí, trạng nguyên ngày xưa cũng có ngày cởi áo lột mão đó thôi.


Ra đi để giải thoát mọi lo toan ư ? Giá như gia đình đông anh, đông chị hoặc có em út ở nhà thì việc cởi trói cho mình quá dể. Nhưng ở đây chỉ một mẹ hai con và ông bà nội đã quá tuổi bát tuần, ngày về đất phật đâu còn xa nữa. Ai là người thay cha để báo hiếu ông bà cho tròn phần đạo nghĩa. Chị đã đi lấy chồng không nhẽ ở hoài với mẹ với em sao ? Luật xuất giá tòng phu nào đâu cho phép. Một mai, đau ốm thất thường ai là người cận kề bên mẹ. Lo cho mẹ chút lữa khi gió lạnh mùa đông, quạt cho mẹ tí gió khi trời nóng mùa hè hay mình mẩy bứt rứt canh trường khó chịu . Làm con trai chỉ biết cho mình được tung hoành phỉ chí thì còn gì để nói đến Công đức sinh thành.


Chưa hết, ngay bây giờ tôi đã hơn 20 tuổi đầu, mà chưa nắm hết các phần mộ Tổ sơ, thì đến bao giờ tôi mới thực hiện được nghĩa vụ nối nghiệp cha ông chăm lo phần âm thế.


Tôi nguyện ở lại quê nhà dù có thiệt thòi mất mát tương lai,sự nghiệp bản thân hèn mọn. Nhưng lòng vẫn thanh thản vui vẻ vô cùng. Giờ ta đã khôn hơn, biết cái gì nên làm, điều gì nên tránh. Bước đi của ta không còn yếu ớt như thưở còn thơ, hoặc chập chững bước thấp bước cao như thời niên thiếu. Các tấm gương lối sống tốt đẹp, tinh thần say sưa trong hoạt động, vô tư như bàn thạch trong mọi ham muốn cá nhân, của các thầy giáo tôi luôn luôn quý trọng, của anh em bà con ruột thịt, của bạn bè thân thiết , của bao nhiêu nhân vật thông qua các tác phẩm văn hoc đã quá đủ cho ta vững bước chấp nhận ở lại quê nhà với công việc có thể thầm lặng, không tên không tuổi, không văn bằng chứng chỉ….


Sáng ra thầy Hồ Đình Ty hiệu trưỡng trường cấp I Hải trạch cũng là người bà con trong họ Hồ cho tôi hay :


- Xã và nhà trường thống nhất cho chú dạy vỡ lòng và làm tổ trưỡng tổ giáo viên của xã luôn. Có thể ít hôm nữa chú sẽ đi dự lớp bồi dưỡng tổ trưởng giáo viên do ty giáo dục Q.B tổ chức ở Đồng Hới đó.


Tôi hơi ngạc nhiên vì sự quan tâm quá thịnh tình, nhưng cũng vô cùng đột ngột của xã và nhà trường. Thoạt nghĩ : Có thể đây là một quan tâm thực sự để cho mình yên tâm hoạt động văn hóa văn nghệ của xã. Hay là một sợi dây vô hình ràng buộc chân mình ở lại xã nhà. Lòng băn khoăn vô kể không biết tính sao. Nhưng dẫu sao cũng là cơ hội cho mình thực hiện những ý nguyện của mình đặt ra mấy lâu nay. Nhất là đêm qua trong giấc ngủ chập chờn, vẫn cứ suy nghĩ làm thế nào đây để tỏ ra mình ở lại với quê nhà là đúng, là hợp lý với hoàn cảnh hiện giờ.


Chà ! Chà ! Một học sinh cấp ba có bằng tú tài về quê gõ đầu trẻ chưa hề biết chữ gì thì quá thừa sức, chẳng khác gì con thỏ chạy thi với con rùa, hoặc giống như thời xưa, các ông đồ nho dạy “Tam thiên tự”. Thiên là trời, Địa là đất, bất là không… cho trẻ con trong xóm, nhàn nhả bên hương án có mấy bút lông, ngồi xếp bàng tròn vừa rung đùi, vừa phe phẩy quạt. Thôi thì “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” thầy nào cũng là thầy, uy tín chỉ phụ thuộcvà hơn nhau cách truyền thụ. Cho nên tôi nghĩ, có trình độ mà không yêu nghề, yêu người thì làm sao mà đưa hết trí lực thì có phỏng ích gì. Coi thường việc nhỏ thì làm sao làm được việc lớn. Trình độ sẽ không thừa, tôi khằng tin như vậy, nếu ta yêu nghề, yêu trẻ.


Trời bỗng nhiên mát hẳn. Gió đông nam thổi mạnh báo hiệu thời tiết đã giao mùa. Xa xa ngoài biển nghe tiếng sấm rền liên tục như nồi cơm đang sôi sùng sục trên bếp. Theo kinh nghiệm của dân biển, đó là sấm biển, báo hiệu chỉ ít hôm nữa thôi là có mưa to dai dẳng. Trời sẽ mát, cây cối sẽ xanh tươi trỡ lại sau mấy tháng hè hạn hán. Muôn vật trên mặt đất sẽ hưởng không khí mát lành của mùa thu. Một mùa mà các nhà thơ không bao giò bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đưa vào thi ca của mình.



















30-9-2012









Lời bình (6)
Nguồn trích (0)
Đường dẫn cố định


RSS bình luận






Bình luận riêng4000 Đăng





Có khi nào...

09:40 16 thg 11 2012




Vậy là Bác bắt đầu đi dạy như thế. Nếu ở thời nay thì gọi là may mắn quá. Còn ở thời Bác, chắc có lẽ cháu nghĩ trong lòng Bác cũng lo, lo nhiều hơ..


Trả lời nhận xét này





Ngocdunglyhoa

11:02 16 thg 11 2012




Đúng là như vậy ,sức học và sức hiểu biết của bác so với các bạn đồng niên trong làng bác nổi trội hơn cả



Trong làng chỉ có hai anh em bác sớm xuất thàn ra phố học Anh ở Huế(1952) Bác ở Đồng hới và Vinh. Nhờ vậy mà nguồn văn học các lọai sau này CM cấm thì bác đă đọc hết rồi. Đến khI CCRĐ thì người ta lấy đốt sạch. Do hoàn cảnh như vậy mà sau khi thi hỏng ĐH bác không muốn đi đâu nữa cả chỉ muốn ở nhà với má và chi thôi .chứ lúc đó bạn bè ngay một vài anh cán bộ ty sở giáo duc bảo đi học 10+1,10+2 bác không đi vì một nỗi mỗi lần đi xin việc là mỗi lần nhắc đến quá khứ đau buồn, mà chắc gì đi được ...sau này bác sẽ kể một dịp bác bị họ hất ra đó .thời kỳ này miền bắc nước ta họ miệt thị con cái địa chủ ghê lắm .ko phải chỉ có chú mà còn nhiều nữa . từ đó bác sống theo bản năng hiểu biết của bác .Trời cũng phú cho bác một đầu óc phải nói tuyệt vời ko có công việc gì trong ngành thủ công mà bác ko biết và chỉ nhìn chứ không theo học gì cả .chỉ tiếc rằng ko đủ sức mà ghi lại hoặc kể cho cháu nghe mà thôi.
thế làvừa mằn mò kiếm cơm giúp đỡ gia đình vừa tham gia công tác địa phương .chủ yếu là chuyên trách dạy BBVH và vở lòng . BBVH thì ko phải nói vì người lớn mà cũng phải theo chỉ đạo chung còn vở lòng thì chú đã mạnh dạn dạy theo kiếu bây giờ có nghĩ là chưu có chủ trương dạy theo cảii cách nhưng chú đã đi trước 10 năm. chú định sau ngày nhà giáo chú sẻ đâng nói về điẻm này với cái đề NGƯỜI LÁI ĐÒ NĂM ẤYcháu đón đọc nghe. cũng vì vậy mà họ mời chú vô hội CGC. vi họ có mất gì lương và cácchế độ ko chỉ tốn tiền mình khi nộp hội phí ,quỷ,thêm tiền liên hoan ngoài xã cho thêm năm ba chục gì đó Thôi thì vào để có lý mà ngồi với các thầy cô trong CLB thơ mà cũng vì có một số cô thầyt là hs vở lòng của bác nữa. Thôi Đan Thùy nhá chú sẻ đến nhà cháu nói tiếp







Nguyễn Tiến Trúc

17:03 27 thg 10 2012




nhịp cầu nối những niềm vui





























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Hình ảnh : Copy link hình và dán trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ
LƯU Ý :Định dạng đuôi ảnh hỗ trợ ['JPG','GIF','PNG','BMP']