HTML/JavaScript



NgocDungLyhoa chân thành cảm ơn các bạn ghé thăm

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

HỒI KÝ 5-:ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI

5- TRẢI LÒNG VỚI THIÊN NHIÊN

     Chỉ mới hơn một tháng mà củi trong hóc Đá Đen đã cạn kiệt. Sức tàn phá của con người không ồ ạt, không mạnh mẽ nhưng sự kiên trì triền miên kéo dài theo ngày tháng cũng đủ làm nước chảy đá mòn ,xác xơ cành lá.  Do khan hiếm củi rào cộng thêm đường đi độ này trời mưa to lầy lội nên cha con phải chuyển đi hướng khác.  Mái Ngang trở thành nơi ký túc thường nhật mới . Phải dùng hai từ ký túc, mới đúng hoàn cảnh của chúng tôi, vì hầu như ngày nào cũng như ngày nào cha con đều có mặt trong rừng sáu tiếng đồng hồ.Chúng tôi đã lấy đó để động viên an ủi thân phận bèo bọt của mình .

Bước vào rừng là tâm hồn cảm thấy thanh thoát nhẹ nhàng. Rừng cho chúng tôi cúi, nuôi sống chúng tôi, an ủi xoa dịu vết thương đang bất an âm ỉ trong lòng. Rừng là nơi để chúng tôi tránh xa thế cuộc,tìm lấy sự yên bình đơn côi mà không ai có thể chia sẻ dù đó là người thân ruột thịt , bà con gần gũi,thậm chí có gia đinh có những đứa con rứt ruột đẻ ra đã thành lông thành cánh bay gần hay bay xa tìm cách lẩn tránh như người ta lánh xa một loài sâu bọ gớm guốc ghê tởm . Một phép mầu nhiệm nào mà có uy lực mạnh mẽ đến như vậy? Làm thay đổi cả tiềm thức con người vốn dĩ xưa nay sống có tình có nghĩa, có trước có sau. Ôi may thay cũng còn nhiều người không thay đổi tráo trở được phẩm chất đã ăn sâu vào tiềm thức nhưng phải ngụy trang cho mình một cái vỏ bọc, một vẻ mặt diễn viên tuồng trên sân khấu để bảo toàn tính mạng và cuộc sống cho mình.   
Mái Ngang là nơi rẽ của dãy núi ông Tượng kéo dài ra phía Bắc để tạo thành dãy núi Đá Đen . Đằng sau mái Ngang có một sườn núi thoai thoải chỉ mọc một loại cây rèng rèng xanh tốt nhưng không cao to được bởi hàng năm người ta đã chặt ngang mặt đất về phơi khô làm chổi. Loại củi này không chặt cành mà phải đào cả gốc lấy cả rễ gọi là củi mậm. Mậm cây móc, cây  sim , rèng rèng cháy rất đượm, than chắc rất tốt cho việc sưởi ấm mùa đông. Chỉ cần cái búa bổ củi hay cái cúp có hai đầu,  đầu moi đất đầu chặt gốc  cộng với đôi gióng gánh nữa là hành nghề một cách ngon lành, không phải len lỏi chui rúc trong lau léc trầy da chảy máu như đi củi sóc, củi gióng .
Đã gần cuối thu ,trời se lạnh cho nên thời gian xuất phát đi củi của hai cha con tôi cũng muộn lại .Lần theo lối mòn quanh co dốc đứng, bước qua những tảng đá cao to  cha con vượt lên .Với tôi những ngày đầu chưa quen hai đầu gối mỏi nhừ, càng leo chân càng mỏi không nâng được lên mặt đá. Không hiểu chốc nữa đi về với gánh củi nặng trên vai đi xuống không biết có đi được không?
Ba tôi vừa leo vừa ngoái lại nhìn con, thỉnh thoảng dừng lại đợi hoặc dìu con bước qua tảng đá. Cuối cùng tôi cũng theo ba lên được đến nơi. Đứng trên cao, nhìn xung quanh trời đất bao la bát ngát, gió bấc thổi hun hút, biển sóng trời động dâng trào trắng xóa,  làng mạc xóm thôn chỉ còn là màu nâu sẫm vì những mái ngói , mái tranh chen lẫn hòa quyện bởi ánh sáng mờ nhạt ban mai. Nghỉ ngơi một lát cho lại sức ,vừa tàn điếu thuốc  ba tôi vừa chỉ xuống một sườn núi xanh biếc cây rèng rèng rồi nói:
-  Xuống đó đi con, cẩn thận kẻo bổ chúi đó .
Đường đi xuống không dài như đi lên nhưng có một khúc vô cùng nguy hiểm, phải bước qua mội tảng đá lớn như một cái bàn nằm ngay giữa lối đi hai bên là hố sâu do dòng chảy sói mòn của nước đi qua tạo thành, cây lòng bong chằng chịt phủ kín, không biết mà đặt chân lên đó thì chỉ có nước rơi xuống hố không biết điều gì sẽ xẩy ra. Xếp gọn gióng gánh lại một chỗ ba tôi chọn một bụi rèng rèng to nhất , ông ngắm nghía một hồi đoạn hai tay vung búa nện vào gốc, khoảng chừng ba bốn quai bụi rèng rèng bật ra tơi tả, lòi ra những miếng củi màu nâu đỏ tua tủa rễ còn dính đầy đất, dùng một đầu cúp men theo từng rễ một cời đất móc lên những rễ củi dài đầu to đầu nhỏ thẳng cong khác nhau trông rất kỳ dị . Tôi chưa làm được như ba mà chỉ phụ việc lượm củi chất đống lại một chổ. Thỉnh thoảng tôi cũng có đào nhưng chỉ chọn bụi nhỏ mà thôi, đào bới một hồi thì người nóng ran lên hai cha con phải cởi bỏ bớt áo ấm cho mát. Nhìn ba tôi làm việc mà tôi cứ tưởng một lực điền thực sự. ông làm không vội vã mà thoải mái kỹ càng. Gặp rễ nào to xoắn xuýt lấy nhau ba tôi phải dừng lại tìm cách bới móc nó lên như một người thợ rừng lành nghề. Mới có gần vài giờ mà cả một đống củi to tướng đủ cho cả hai cha con gánh.
Phải chăng tư chất này đã giúp ông trong sự nghiệp xây dựng  gia đình, thành công trong các lĩnh vực làm ăn kinh tế trải qua nhiều nghề khác nhau: Ghe thuyền, lưới chài , buôn bán hàng hóa từ Nam ra Bắc,cùng với má tôi chế biến hải sản cá, mực khô,nước mắm.Từ nhỏ cho đến giờ tôi chưa hề thấy ba tôi la mắng con cái , ngay cả khi má tôi rầy la ông hay đi uống rượu quán người . Tôi còn nhớ một lần ba tôi đi uống về má la om sòm ,ông im lặng bỏ đi không nói năng gì . Ra đến cổng má tôi đuổi theo níu quần làm cho quần ba tôi tuột xuống may mà còn chiếc quần xà lỏn không thì…  Những người làm việc trong nhà quanh năm suốt tháng có ai phàn nàn gì đâu , đời cha cho chí đời con tiếp nối ăn ở trong nhà thậm chí ba bốn ngày tết họ vẫn ở lại cũng không về nữa. Mọi công việc ghe nôốc lưới chài ba tôi rất tin tưởng giao cho người giúp việc quán xuyến chưa bao giờ làm họ mất lòng ,có thể đây cũng là bí quyết sữ dụng con người, phải tạo lòng tin giữa họ với mình, để ai cũng có trách nhiệm lo toan công việc một cách hoàn mỹ.  

Đào thêm vài gốc nữa thì trời cũng đã trưa cha con xếp củi vào gióng,ăn vội mấy củ khoai mang theo nghỉ ngơi một hồi cho lại sức rồi mới đi về.  Ngày qua tháng lại núi rừng vẫn là bạn với gia đình tôi, hôm nào mưa to , lạnh quá không đi là nhớ và cảm thấy mỏi mệt. Đến bây giờ tôi vẫn không quên được nơi đào mậm . Giá như tôi không bị di chứng của căn bệnh TBMMN thì tôi sẽ đi lên đó thăm lại một lần như người ta thăm lại chiến trường xưa vậy.

4 nhận xét:

  1. Ngậm ngùi đọc đoạn viết này
    Đoạn đời gian khổ ai hay bây giờ
    Rèng Rèng trên núi hoang sơ
    Bước chân gánh củi tuổi thơ in hằn
    Núi Cao cây rậm che thân
    Hai cha con chú âm thầm sớm hôm
    Mồ hôi đổi lấy hạt cơm
    Mà sao nghe mặn đắng hơn trong lòng
    Đoạn này có chú chị không
    Hai cha con Chú...thật lòng xót xa
    Đoạn này chưa học chú nha
    Ngày đêm vẫn cứ là NHÀ TIỀU PHU


    Trả lờiXóa
  2. Năm này bỏ học cháu ơi
    Trò con địa chủ bạn thời lánh xa
    Bao vây cấm vận cả nhà
    Như tù giam lỏng xót xa khốn cùng
    ===================
    Cảm ơn mọt khúc tâm tình
    Phu Vang chia sẻ ân tình thấm sâu

    Trả lờiXóa
  3. Tháng tám đến cùng mùa mưa bão
    Trời Quảng Bình ảo não theo mưa
    Tiều Phu vẫn khúc nhặt thưa
    Đoạn đời lấy củi như vừa mới đây

    Hóc Đen củi mỗi ngày mỗi cạn
    Hai cha con làm bạn Mái Ngang
    Đoạn đời ký túc trên rừng
    Tủi thân vất vả nhưng mừng bên cha

    Mái Ngang mãi không nhòa ký ức
    Trong tim tôi một phút chưa quên
    Chặt cây bó củi rèng rèng
    Gánh về gánh củi theo riêng nỗi niềm

    Vì sao mất tình làng nghĩa xóm
    Nhìn thấy nhau ..gớm ghiếc không bằng
    Tình thân phút chốc cũng tan
    Chỉ vào rừng thấy nhẹ nhàng chút thôi

    Giờ viết lại cuộc đời sóng gió
    Thấy thương cha gian khó không nề
    Chặt cây bó củi gánh về
    Làm nhanh thoăn thoắt không hề than van

    Đời lấy củi Mái Ngang khi ấy
    Thời cha đào củi cháy đượm đà
    Mậm rèng sim móc gần xa
    Theo cha con gánh về nhà năm xưa

    Nào đâu ngại nắng mưa năm ấy
    Chỉ mong vào rừng lấy thật nhiều
    Xem rừng như chốn thân yêu
    Trở che thân phận sớm chiều mà thôi

    Trả lờiXóa
  4. "Bước vào rừng là tâm hồn cảm thấy thanh thoát nhẹ nhàng. Rừng cho chúng tôi cúi, nuôi sống chúng tôi, an ủi xoa dịu vết thương đang bất an âm ỉ trong lòng. Rừng là nơi để chúng tôi tránh xa thế cuộc,tìm lấy sự yên bình đơn côi mà không ai có thể chia sẻ dù đó là người thân ruột thịt , bà con gần gũi,thậm chí có gia đinh có những đứa con rứt ruột đẻ ra đã thành lông thành cánh bay gần hay bay xa tìm cách lẩn tránh như người ta lánh xa một loài sâu bọ gớm guốc ghê tởm . Một phép mầu nhiệm nào mà có uy lực mạnh mẽ đến như vậy? Làm thay đổi cả tiềm thức con người vốn dĩ xưa nay sống có tình có nghĩa, có trước có sau. Ôi may thay cũng còn nhiều người không thay đổi tráo trở được phẩm chất đã ăn sâu vào tiềm thức nhưng phải ngụy trang cho mình một cái vỏ bọc, một vẻ mặt diễn viên tuồng trên sân khấu để bảo toàn tính mạng và cuộc sống cho mình. "
    Em rất thích đoạn văn trên của anh vì nó vừa khái quát được thời cuộc, lòng người lại vừa thể hiện được thân phận của riêng anh.
    Thuở đó em còn quá nhỏ để thấu hiểu như anh. Em chỉ nghe mẹ kể lại thôi anh ạ

    Trả lờiXóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Hình ảnh : Copy link hình và dán trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ
LƯU Ý :Định dạng đuôi ảnh hỗ trợ ['JPG','GIF','PNG','BMP']