HTML/JavaScript



NgocDungLyhoa chân thành cảm ơn các bạn ghé thăm

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

HỒI KÝ :ĐỜI HỌC TRÓ CỦA TÔI - P1

       



LỜI GIỚI THIỆU
                        Nguyễn Tuấn Vũ

Xuân đến cho ta bao ý thơ
Valentine huyền diệu kết vòng mơ
Cố nhân xa vắng nay gặp lại
Tân hữu mới nguyên quá bất ngờ
Đây mảnh vườn xuân hoa nở đỏ
Kia  trời mây dệt mấy đường tơ
Thiên nhiên kỳ thú ôi tình thế
Cảnh đó người đây đẹp ngẩn ngơ

Tôi gặp tác giả trong một lần rất tình cờ, một sự tình cờ như duyên phận. Chúng tôi nói chuyện văn thơ, chuyện riêng cuộc đời. Không hiểu tác giả nghĩ sao mà sau cuộc gặp gỡ ấy anh gửi cho tôi tập hồi ký ‘’Đời học trò của tôi’’. Sau khi cuốn hồi ký 25 chương khép lại. Tôi hiểu thêm về những năm tháng tuổi thơ anh thật vất vả, gian nan…Nhưng lại rất khâm phục anh ở ý chí vươn lên trong gian khó. Tuổi thơ anh gắn liền với cuộc cải cách ruộng đất và những thăng trầm của đất nước. Là người con của Quảng Bình, vùng đất lửa nổi tiếng của những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Anh đã cùng người dân vùng đất Quảng xây dựng Lý Hòa, quê hương giàu đẹp. Anh có nhiều bài thơ nói về tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt  anh rất giỏi làm thơ Đường, loại thơ mà giới trẻ ít biết đến.
Anh là chủ tịch câu lạc bộ người cao tuổi đã 20 năm. Hoạt động của câu lạc bộ rất phong phú và được mọi người yêu quý. Nhiều bài viết của anh đã được phát thanh nhiều lần ở địa phương…Cách đây 3 năm anh bị tai biến mạch máu não, tuy bị liệt nửa người nhưng anh vẫn sống vui sống khỏe. Anh làm nhiều bài thơ đăng trên blog ‘’Vui tuổi già: Lý Hòa quê mẹ ta ơi’’, đăng trên blog của Ngọc Dũng và các trang liên kết khác được rất nhiều bạn đọc xa gần yêu thích và phản hồi rất trân trọng.
Dù chỉ còn một tay, anh vẫn dùng máy tính để giao lưu cùng bè bạn trên khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Hiện nay anh còn tham vọng giới thiệu Du lịch Lý Hòa qua mạng để mọi người đã đến Đồng Hới thì sẽ đến với quê hương anh, một làng biển đẹp và giàu có cách Đồng Hới 20 km .
Tôi in tập hồi ký này để giới thiệu với bạn bè, gia đình…Nhất là lớp trẻ, tôi tin rằng đọc xong cuốn hồi ký ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI độc giả trẻ sẽ học được một điều gì đó của một công dân bình thường ’’như hạt cát bình thường ’’
(lời Ngọc Dũng) và biết vượt lên số phận bằng lòng với thành quả do mình tạo dựng.
Thay mặt độc giả tôi muốn chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc anh luôn yêu đời, yêu người…để có những vần thơ hay mặc dù anh không phải là nhà thơ. Mời bạn bè yêu thơ hãy vào ngocdunglyhoa blog spot để hiểu thêm về những tác phẩm anh viết. Thay lời kết tôi gửi đến bạn đọc bài thơ.

TỰ CHÚC TUỔI MÌNH
   
Xuân này đúng chẵn bảy hai xuân
Thất thập lai hy vượt tuổi phần
Hơn nữa xuân đời lâm bão tố
Một mình tự lập để thành thân
Ơn trên phù hộ cho lành mạnh
Cha mẹ độ trì chí quyết tâm 
Mừng tuổi nâng ly ta tự chúc
Cầu cho tuổi thọ vững đôi chân.
Tác Giả: Ngọc Dũng
Tháng 3 năm 2013




 

1-  NIỀM VUI CHƯA TRỌN ĐẦY GANG



Năm 1954 hòa bình lập lại trên bán đảo Đông dương. Theo hiệp định Giơnevơ thực dân Pháp phải rút quân khỏi bán đảo Đông Dương trong đó gồm có ba nước Việt Nam, Lào, Căm Pu Chia. Trải qua tám năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ và quyết liệt, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Lao Động Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng đất nước thoát ách thống trị của thức dân đế quốc phong kiến dành thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên vẫn chưa trọn vẹn. Đất nước từ vĩ tuyến 17 trở vào tạm thời Mỹ Ngụy vẫn còn chiếm đóng, đợi hai năm sau tổng tuyển cử mới thống nhất hai miền, lúc đó Việt Nam mới thực sự thống nhất đất nước chung niềm vui sum họp.
Trong không khí vui mừng tột độ, nhà tôi cũng như cả làng, cả nước náo nức đón chào sự kiện lịch sử trọng đại đó. Tối nào cũng vậy, nhân  dân trong thôn đi họp để nghe cán bộ xã phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về việc xây dựng đất nước, đấu tranh thống nhất nước nhà .
Chị em tôi còn nhỏ, ăn cơm tối xong cũng kéo nhau đi cổ động, mời nhân dân đi họp. Sau một vòng vừa đi vừa hô khẩu hiệu hết các lối trong xóm lại quay về một nhà nào đó có sân rộng ca hát nhảy múa. Nhất là những đêm trăng sáng, thanh thiếu niên từng đôi một nhảy hai chân đá tréo vào nhau miệng hát vang bài “Đây gió, đây trong rừng, đây cánh đồng, đây bằng phẳng…” Những đêm vui chơi như vậy có khi kéo dài một hai giờ sáng mới về.
Là một gia đình có học, bản thân ba tôi rất thích đọc báo. Ông mua báo Cứu Quốc để đọc cho nên mọi tin tức thời sự ông nắm rất kỹ và suy diễn tình hình khá nhạy bén và tin tưởng. Ông nhận thấy hai miền Bắc Nam thống nhất chắc còn kéo dài nên bàn với má tôi vào Huế đưa vợ chồng anh Cư (con đầu) và các cháu về quê. Má tôi theo luồng xe nhà binh của địch rút vào Nam,  cho nên trên đường đi Huế vô cùng suôn sẻ, nhưng khi đi ra thì vô cùng gian khổ. Lần mò hơn mười ngày trời mới về đến quê nhà. Tuy nhiên cuộc đi đó chẵng thu lại kết quả gì cho gia đình, anh tôi nói :
- Hiện giờ thì vợ chồng con không về được, cháu Minh còn quá dại mới có hai tháng tuổi, đi làm sao được. Vả lại đi vào thì dễ chứ đi ra khó lắm.
Má tôi năn nỉ suốt đêm nhưng không được. Cuối cùng anh tôi hứa :      
- Đằng nào con cũng về, thôi thì năm ba tháng nữa chờ cháu Minh cứng cáp con sẽ đưa vợ con về bằng cách xuống cửa Thuận An thuê thuyền vượt biển về quê , má yên tâm đi.
Nghe anh tôi nói như vậy bà chẳng nói gì nữa. vì con nói cũng có lý, vả lại đường thu xếp đi về nghe cũng yên tâm, việc gì chứ việc biển vời  ghe nôốc  thì anh tôi quá thành thạo. Tuy con không về nhưng má tôi lôi kéo vận động cũng được  hai ba người trong làng  cùng về như vợ chồng anh Bình anh Môn. Khi má tôi về đến nhà ba tôi bàn với má :
- Mụ ạ ! Tôi đọc báo thấy nhà nước kêu gọi nhà nông thì sản xuất lúa gạo, nhà ngư thì đánh cá, tiểu thương thì buôn bán, nhưng với hình thức tập đoàn tập thể gì đó. Tui thấy nghề gì mình cũng đã làm, lưới chài thì mình cũng đã làm nhưng với hồi xưa, chứ bây giờ thì không được vì phải thuê mướn, nuôi người ăn người ở mà xã hội chừ không cho phép. Chi bằng mình bỏ ra ít vốn vận động anh em bà con của mình chung nhau đóng ghe đi Nam Định, Thanh Hóa, trước thì chở hàng cho chính phủ sau thì mua hàng về bán kiếm lãi, mụ thấy có được không?
Má tôi nói:
- Không biết nhà nước họ có thuê chở không?   
- Có chớ, xe cộ còn thiếu làm gì thì làm họ cũng cần. Năm bốn lăm, kháng chiến cũng thuê ghe làng mình chở đó thôi .
Cuối cùng má tôi cũng đồng ý cho ba tôi làm. Sau một thời gian chuẩn bị và tiến hành thực hiện chiếc ghe cũng được hoàn thành. Đây là chiếc ghe đầu tiên kể từ khi hòa bình lập lại sau một thời gian vắng bóng (từ năm 1945 đến nay năm 1954) chứ trước đó thì cả làng bảy tám chiếc ra Bắc vào Nam.
      Chuyến đi đầu tiên khởi hành đầu tháng ba âm lịch

(1955). Ngày ghe trở về (tháng tư âm lịch 1955) cũng là ngày cuối cùng ba tôi không phải là chủ ghe của mình nữa. Trong những ngày ba tôi ra đi thì ở nhà bao chuyện xẩy ra không thể ngờ được.  Cũng chính từ giờ phút đó gia đình tôi bước vào cuộc đời lao lúy, khổ sở ,thậm chí mất mát đau thương đến tinh mạng. Đối với gia đình tôi, ngày vui hòa bình tự do độc lập vẻn vẹn chỉ được mấy tháng, bao ước mơ hy vọng cho tương lai đã được sắp đặt bỗng dưng sụp đổ. Hỡi ôi ! Ngày vui chưa trọn đầy gang .                                                                                    

6 nhận xét:

  1. Những câu văn chú viết từ nhịp đập của trái tim thương tổn...nên nó thật xúc động chú ạ!
    Cháu còn nhỏ chỉ nghe kể ngày ấy dòng họ nhà cháu bị đấu tố gì đó rất khổ...bố cháu cũng chạc tuổi chú, lớn hơn vài tuổi thôi....
    Bây giờ mọi việc qua lâu rồi ghi lại vài dòng cũng như nén tâm nhang ghi khắc vậy thôi chú nhỉ!
    Cháu sẽ đọc tiếp những phần còn lại chú ạ! cũng như tấm chân tình của cháu chia sẻ với thế hệ ông cha một thời khốn khó...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. duyên nào chú cháu gặp nhau
      cùng chung cảnh ngộ tâm đầu sẻ chia
      nhân duyên quả thật tình cờ
      chú mong liên lạc để mà hiểu hơn .....................đt của chú đây cháu ơi 01683602037

      Xóa
  2. Bàng thay lá bảy mươi mùa chẵn
    Vẫn hiên ngang ngay ngắn góc sân
    Bàng ơi !qua những mùa xuân
    Cội già chứng kiến bao lần buồn vui !

    Còn tôi ! đã bảy mươi mùa lá
    Mong một lần bạn ghé qua đây
    Bồng bềnh mái tuyết sương bay
    Rút từng sợi thả đắng cay ngọt bùi

    Chắt chiu từng giọt đời gửi lại
    Đau thắt lòng xa ngái ngược về
    Mẹ cha kết nghĩa phu thê
    Sinh anh… sinh chị… rồi thì út tôi

    Thời gian hạnh phúc ôi thật ngắn
    Mười hai tuổi may mắn êm trôi
    Cùng năm đất nước chia đôi
    Cả làng ca hát dậy trời thôn quê

    Nhiều đêm thức bộn bề suy nghĩ
    Với mẹ… cha thủ thỉ mấy lời
    Tìm vào Huế gọi con thôi
    Hòa bình cả nước chắc thời còn lâu

    Nghe cha… mẹ đi… sau mười bữa
    Mẹ về… vài người nữa…anh không !
    Bởi vì cháu nhỏ ẵm bồng…
    Cha lo canh cánh trong lòng… mưu sinh

    Ngày trước lúc hòa bình chưa đến
    Suốt những năm kháng chiến chín năm
    Cũng thuê thuyền ‘nôốc’ của dân
    Nhà nhà chung sức góp phần làm nên!

    Nay cha tính ta nên gom góp
    Đóng chiếc thuyền kết hợp bán mua
    Má tôi lo lắng (không thừa)
    Sợ rằng chính phủ có thuê không kìa

    Ba tôi vẫn mải mê phân tích
    Cuối cùng cha cũng tính toán xong
    Tháng ba năm ấy trời hồng
    Chiếc ghe xuống biển vượt dòng nước xanh

    Người tính kỹ tâm thành lòng sáng
    Chuyến hải trình một tháng… mộng tan
    Tháng tư một chín Năm năm
    Chiếc ghe chính thức không còn của cha

    Cũng từ đấy cảnh nhà tan nát
    “Đồng vợ đồng chồng tát…” được gì?
    Phu Thê Phụ Tử phân ly
    Những ngày phía trước còn gì nữa đây???

    Trả lờiXóa
  3. http://i1111.photobucket.com/albums/h472/nghethuatphatgiao/thuyen_va_bien_500.jpg

    Trả lờiXóa
  4. http://i270.photobucket.com/albums/jj109/fbuis/SouthVietnam/hienluong01.jpg

    Trả lờiXóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Hình ảnh : Copy link hình và dán trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ
LƯU Ý :Định dạng đuôi ảnh hỗ trợ ['JPG','GIF','PNG','BMP']